technology

business

Đền Phương Giai trên Người Kỳ Anh đươc đưa lên Wikipedia



1.    Tên di tích: Đền thờ Phương Giai
2.    Loại công trình: Đền
3.   Loại di tích: Lịch sử và kiến trúc nghệ thuật
4.    Quyết định: Đã xếp hạng di tích lịch sử cấp quốc gia theo quyết định số 3211-QĐ/BT  ngày 12 tháng 12 năm 1994
5.    Địa chỉ: xã Kỳ Bắc, huyện Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh

6.    Tóm lược thông tin về di tích.
       Đền ở làng Phương Giai, tổng Cấp Dẫn, nay là xã Kỳ Bắc, có ba toà thượng, trung, hạ đường xếp theo hình chữ “tam” xây trên khu vườn rộng khoảng 1 mẫu rưỡi, xung quanh cây cối xanh tốt.
Đền Phương Giai thờ Hoàng giáp Dương Trí Tri, một ông quan có tài và nhiều công lao to lớn trong việc bốc thuốc chữa bệnh cho nhân dân vào thời nhà Mạc. Tục truyền rằng vào thời đó tại vùng phía bắc huyện Kỳ Anh có dịch bệnh đậu mùa trẻ em , ông Hoàng giáp chỉ có những vị thuốc Nam đã cứu được rất nhiều trẻ em thoát khỏi nạn dịch trở về cuộc sống. Ông được suy tôn Thành Hoàng Làng. Với công lao đó sau khi ông mất nhân dân địa phương đã lập đền thờ.
Ông Dương Trí Tri (có sách chép Phùng Trí Tri), người xã Duy Liệt, sau là Liệt Thượng (nay là xã Kỳ Phú). Ông đỗ Nhị giáp tiến sĩ (Hoàng giáp) khoa Đinh Mùi niên hiệu Vĩnh Định đời Mạc Phúc Nguyên (1547), làm quan đến chức Hàn lâm, thường gọi “Quan Hoàng Liệt Thượng”.

Ở địa phương có giai thoại: Sau khi ông đỗ, vua gả công chúa, ông không chịu lấy, nên vua bắt phải tự sát. Chuyện ấy chắc là những người nhà Lê bịa ra để nói xấu nhà Mạc, vì Đăng khoa lục chép là ông làm quan nhà Mạc đến chức Hàn lâm.

Sau khi ông mất, dân làng Phương Giai và một số làng khác dựng đền thờ. Tương truyền “Quan Hoàng” rất giỏi thuốc, ai đau ốm đến cầu Thần xin thuốc đều lành bệnh. Có lần, trong vùng có dịch đậu mùa, Thần cho thuốc chữa, nên không có ai chết…Về sau, dân trong vùng không nhớ tên Thần là gì, chỉ biết đền Phương Giai thờ ông thầy thuốc”.

- Đền xây dựng trên diện tích một mẫu 5 sào Trung Bộ, cao hơn diện tích xung quanh 1,5m ngoảnh mặt hướng đông bắc. Ngày xưa đền có ba tòa, kết cấu chữ Tam lợp ngói vẫy, có tường bao quanh. Ngày nay do chiến tranh và thiên nhiên tàn phá hệ thống tường, cột nanh, cổng tam quan, nhà Thượng điện bị phá huỷ, chỉ còn lại nhà Hạ điện và Trung điện. Kiến trúc các ngôi nhà đơn giản, theo lối truyền thống của nhân dân địa phương.

Đền Phương Giai ngoài ý nghĩa tâm linh, trong giai đoạn lịch sử hiện đại còn có ý nghĩa lịch sử cách mạng, đó là nơi diễn ra Đại hội thành lập Đảng bộ huyện Kỳ Anh và trụ sở UBND huyện Kỳ Anh trong thời kỳ Xô Viết Nghệ Tĩnh.
Năm 1930 đền là nơi hoạt động bí mật của Đảng cộng sản, là nơi chi bộ Đảng bộ kỳ Anh thành lập và bầu ra ban chấp hành Đảng bộ gồm 7 đồng chí, do đồng chí Nguyễn Tiến Liên làm bí thư. Đại  hội đã vạch ra cương lĩnh hoạt động, nhằm phát triển Đảng viên và giải phóng nhân dân, tại đây là điểm xuất phát của nhân dân vùng ngoài. Dưới sự lãnh đạo của Đảng đã bình tĩnh cướp được huyện lị Kỳ Anh năm 1930. Trong thời kỳ chống Pháp và chống Mỹ nơi đây nhiều lần tổ chức hội họp của Đảng, nơi cất giữ nhiều tài liệu bí mật của Đảng.

Trong thời kỳ chống Pháp và Mỹ đền thờ Phương Giai là nơi làm trụ sở cho UBND Xã, nơi dãy bổ túc văn hóa cho nhân dân trong bình dân học vụ. Đầu thế kỷ XX, dân trong làng giác ngộ cao, đền lại kín đáo, dễ bố trí việc canh phòng, bảo đảm bí mật, an toàn, nên các đảng viên Tân Việt và Cộng sản đều lấy đền Phương Giai làm nơi lui tới, gặp gỡ, bàn bạc công việc. Trong hai ngày 4 và 5 tháng 6 năm 1930, đền Phương Giai là nơi được chọn làm địa điểm họp Hội nghị thành lập Đảng bộ Đảng cộng sản huyện Kỳ Anh, bầu Ban huyện uỷ 7 người, do ông Nguyễn Tiến Liên làm Bí thư (Theo “Lịch sử Đảng bộ huyện Kỳ Anh” XB. 6/2003). Năm 1994, được Bộ Văn hóa – Thông tin cấp bằng di tích Lịch sử - Văn hóa cấp Quốc gia. Hiện nay đền Phương Giai được tôn tạo thành một di tích vừa có ý nghĩa lịch sử vừa có ý nghĩa cách mạng.

Người Kỳ Anh


Post A Comment
  • Blogger Comment using Blogger
  • Facebook Comment using Facebook
  • Disqus Comment using Disqus

Không có nhận xét nào :


three columns

cars

grids

health