Một lần với Kỳ Anh
Thế là đã chạm được bàn chân trần lên đất đai Hà Tĩnh. Phải bao nhiêu năm? Bao nhiêu năm, mới lại được một lần tha hồ mà thổn thức. Trên đầu là trời xanh Hà Tĩnh. Trước mặt là biển xanh Hà Tĩnh. Sau lưng là “Hoành Sơn nhất đái vạn đại chung thân”. Nước non non nước một vùng, quần tụ màu xanh ngàn đời của rừng của biển. Đường lượn mềm theo thế biển. Biển uốn mềm những đường cong xuân thì thiếu nữ; núi khỏe căng chạy ào xuống biển, vạm vỡ sức trai gồng căng từng bắp núi. Mây ngàn cũng sà xuống. Thật thấp. Thật thấp. Gió rạo rực hoan ca cùng hoàng hôn chín lịm. Một góc Hà Tĩnh tôi đã chạm được bàn chân, bàn tay, ánh mắt và tâm hồn là Kỳ Anh đất nhớ. Cảng Vũng Áng rạng ngời, căng ngực trần hướng ra trùng khơi sóng cuộn.
Men rượu ngấm say tình biển mặn. Chúng tôi đọc thơ. Chúng tôi tâm tình. Hoàng hôn sập xuống, mau như chớp mắt vào chiều. Cả một vùng biển sáng. Sáng rực đèn tàu hàng vạn tấn, neo trên cầu tàu số 1. Sáng rực đèn tàu đang hối hả thi công cầu tàu số 2. Sáng rực đèn thuyền câu hàng trăm chiếc. Và cả bầu trời cũng lóng lánh, sáng rực ức triệu vì sao. Dải Ngân Hà vắt ngang vòm trời xanh lồng lộng, cũng rực sáng như sắp bay thẳng xuống từ mấy tầng trời, dội ngọt ngào tin yêu vào ngực biển. Vịnh biển bùng sáng lửa đèn như hoa đăng đêm Hội. Ngoài xa kia, biển cả căng vồng lồng ngực đại dương, ầm ào sóng dội. Sóng làm vỡ những ánh đèn, phún màu lóng lánh, lung linh như thảm dệt kim cương. Cả một vùng kinh tế mở của Kỳ Anh, Vũng Áng sẽ mở đường cho hàng hóa vượt sóng trùng khơi rong ruỗi. Từ đây, gỗ băm dăm mỗi lần xuất đi hàng vạn tấn. Từ đây, cát đen chứa đầy êminhít và linconme mỗi lần cũng xuất đi hàng vạn tấn. Cả clinke. Cả quặng thiếc. Và cả những gì trong tương lai Hà Tĩnh vươn mình lớn dậy. Cảng Vũng Áng đang trên đường xây mới, nhưng tàu năm vạn tấn đã từng cập vào “ăn hàng” xuất ngoại. Nay mai, bốn cầu cảng hoàn thành, biết đâu ở xứ từng một thời heo hút vượn hú chim kêu này, lại là khu đô thị sầm uất của duyên hải miền Trung.
Tôi đã tận mắt thấy những cánh đồng tôm đang cựa mình trong cơn sinh nở. Tôm sú. Tôm đất. Cả tôm hùm, cá bống mú, với chim, thu, nhụ, đé ngoài trùng khơi. Bản đại hợp xướng của Kỳ Anh đang rung ngân giai điệu của chặng đường công nghiệp hóa, hừng hực thế xoài ra biển cả đi lên.
Những cánh đồng ngàn năm khô khát, tưởng sẽ chết cằn trong giấc mơ lúa gạo, giờ thoắt chuyển mình thành khu công nghiệp. Những cô Tấm tảo hiền sắp sửa thành công nhân xí nghiệp. Những chàng trai làng bắt đầu nghĩ tới những chuyến đi xa. Xé vỏ thị bà tiên làm chuyện bất ngờ, chỉ còn trong gang tấc. Gió Kỳ Phong lộng thổi tới Kỳ Nam. Chín cô gái Kỳ Phương xưa bắn hạ tàu bay Mỹ, nay đã thành bà thành mẹ, họ nghĩ gì về tương lai con trẻ, khi mà ngay trên quê hương cát trắng của mình, từng có hai anh em nối nhau đỗ trạng nguyên, bãng nhãn. Ngày ấy, gió Lào thổi như nung như nấu, cát Kỳ Phương nóng bỏng như rang. Bọn giặc lái Hoa Kỳ coi thường vùng quê nghèo khô khát, từ biển quạt sóng bay vào, thấp tới cát bay lá cuốn. Chín cô gái giữa trưa ra vùi mình trong cát, dùng trung liên hạ phản lực giữa ban ngày, khiến sức mạnh không lực Hoa Kỳ, từ đó không còn dám hung hăng làm tàng làm phách. Cả chín cô giờ đây còn đủ cả, chỉ chiếc tàu bay xâm lược là biến mất đi đâu.
Tôi đã đọc bản thảo tập thơ kỷ niệm 170 năm Kỳ Anh thành lập của Hội thơ Hoành Sơn, chợt nhớ năm nào Bà huyện Thanh Quan dừng chân dốc cổng trời, vịnh Đèo Ngang chạy dọc. Giờ Hoành Sơn Quan đang ở ngay trước mắt. Từng tảng đá mòn lì bước ông cha trên dặm đường thiên lý, mở đất về phương Nam. Những đàn sáo đã qua đây. Những chiếc thuyền nan thuyền gỗ cũng đã ngang qua đây. Tổ quốc trải dài theo thế biển. Hút hút dưới chân đèo, nào thấy bóng tiều phu, chỉ thấy xóm làng đang dựng lên thành phố. Con đèo lượn như cung đàn âm vang ngàn giai điệu. Đường hầm khoan thẳng vào ruột núi, vút như một mũi tên, phóng thẳng vào phương Nam rực nắng. Đường hầm thẳng đẹp là thế, biết bao đá hoa cương rực ánh đèn cao tốc, vút vút chạy xuyên trong lòng đất, vậy mà rất nhiều xe cộ và hành khách vẫn cứ thích vượt đèo theo con đường cũ. Không phải họ hoài vọng một con đường thời Pháp thuộc, ấy là họ thích thả hồn theo thế đèo uốn lượn sát mép sóng trùng khơi. Mùa hè, dừng lại đâu đó trên lưng chừng đèo, hái một túi sim, túi mua, túi muồng, tìm tảng đá gốc cây, ngồi bên nhau ngắm mây ngàn gió núi, biết đâu thi tứ dâng trào, tình dâng lai láng.
Nhớ bao niêu năm trước, tôi đã ở Kỳ Tiến với bao nhiêu kỷ niệm. Chị Võ Thị Túy với bé Nhung. Chị Võ Thị Túy với bà con xóm nghèo mà chứa chan tình cảm. Một rỗ khoai từ. Một rá khoai môn. Một lời dặn nhớ trở về cưới vợ. Chúng tôi vào chiến trường B2 trong ấm áp tình thương của chị. Bao nhiêu đứa đã nằm xuống dọc theo những nẻo đường lửa máu. Tôi trở về nguyên vẹn tin yêu, trước tấm lòng chị dành cho tôi trên đường vào hỏa tuyến. “Hiến dâng” là tập truyện ngắn đầu tay sau hòa bình, tôi trân trọng viết tặng riêng cho chị và bà con Kỳ Tiến, Kỳ Anh. Vậy mà nay?.. Tôi đã ngồi trên nhà bè Vũng Áng, đã leo tận Hoành Sơn Quan, đã đứng bên Mũi Đao lộng gió… nhưng lối về Kỳ Tiến vẫn cứ xa thăm thẳm. Âu là duyên nợ còn dài để mà thương mà nhớ. Bé Nhung hôm nay chắc đã thành người mẹ? Không biết gia đình em có khá giả, hay vẫn còn long đong lận đận. Tôi đã gặp trên những chặng đường đèo chang chang nắng hạ, còn những trẻ tranh thủ lúc coi trâu, coi bò, ngồi phơi nắng bán từng rỗ sim. Cầu phúc cho em Nhung ơi! Thuở ấy mắt em đen lắm. Tóc em xanh lắm. Đó là sắc màu của Kỳ Anh không lẫn vào đâu được. Anh nhớ giọng em mềm như nắng sợi. Từng lời như rưới nhớ vào tim. Thế mà đã bao nhiêu năm xa cách!..
Hôm nào ở Hà Nội, nhà báo Như Bình nói như đinh đóng cột: “Con gái Hà Tĩnh quê em, đứa mô cũng đẹp!”. Nhớ lại vóc dáng của em, giọng nói của em, ánh nhìn của em… Nhung ơi, anh rất tin điều đó. “Đi mô rồi cũng nhớ về Hà Tĩnh”. Nhớ về Hà Tĩnh là nhớ về Kỳ Tiến, Kỳ Thư, Kỳ Liên, Kỳ Đồng, Kỳ Ninh… để mà kỳ vọng. Anh kỳ vọng mùa nắng Kỳ Anh sẽ hong đầy tóc gió, rối lòng nhau khao khát tìm thương.
Đường 12 đã mở gần xong. Lối qua Lào, sang Thái sẽ rất gần. Cảng Vũng Áng sẽ nhận hàng từ nước bạn quá cảnh vào Đông Nam Á. Em có tự hào không, khi quê mình có một cảng nước sâu đẹp tuyệt vời như thế. Tám đến mưới mét nước độ sâu ngay mép biển. Bên phải là Mũi Ròon, bên trái là hòn Cao Vọng; vịnh biển uốn một đường cong say lòng biển lớn. Từ phao số 0 vào gần lắm. Lòng cảng lại không cần nạo vét hàng năm. Em có hiểu điều đó có ý nghĩa kinh tế đến nhường nào? Khi mà tàu năm vạn tấn có thể vào ra dễ dàng, đến mức dường như không cần tàu hoa tiêu dẫn dắt. Niềm tự hào sẽ nhân đôi, khi mà Vịnh Sơn Dương sau này được đưa vào khai thác.
Và Nhung ơi! Từ Kỳ Tiến, đã bao giờ em đến núi Bàn Đọ, nơi từng một thời hươu rừng đi dày như lá ở trên cây. Trên biển tím Kỳ Ninh chiều nay, vui với bao người đang trầm mình trong biển biếc, anh muốn nói với em một điều rất thật. Rằng thuở ấy, từng một thời Kỳ Anh mình nghèo lắm. Dân Kỳ Hải, Kỳ Châu, Kỳ Ninh, biết bao người bỏ làng vào Nam hy vọng đổi đời; nhưng đất đỏ bazan nơi cao nguyên Daklak, Gia Lai, với bạt ngàn tiêu, cà phê, cao su có thay nổi đời người, khi mà con người cứ mỗi ngày mỗi nhớ quê canh cánh. Giờ biển Kỳ Ninh dập dìu du khách, người ta lại lục tục tìm về. Làng xóm mỗi ngày mỗi thay màu áo mới. Điện đèn đêm đêm sáng rực như sao trên trên đồng, trên biển. Dòng sông Vịnh mở ra biển lớn mênh mông nước trời, với cửa biển Hải Khẩu, với những cánh đồng tôm đẹp tới nao lòng.
Mới chiều nay, anh với Hà Lê vừa viếng thăm đền thờ Chế Thắng Phu nhân Nguyễn Thị Bích Châu- người tuẫn tiết để cứu cả đoàn quân Nam chinh mở đất. Thắp nén hương trước linh mộ của Bà, anh đã nguyện cầu được một lần trở lại, được thăm em, thăm mẹ, được thấy dân mình ai cũng giàu có, ăn nên làm ra. Chế thắng Phu nhân nằm xuống đã bảy trăm năm, nhưng mỗi ngày vẫn linh hiển với vạn biển quê mình, trong từng chuyến vạn biển ra khơi. Linh khí đất trời tích tụ từ ngàn xưa, nay đã 170 năm, kể từ ngày Kỳ Hoa – Kỳ La tách ra thành Kỳ Anh tên đất, đang tiếp tục làm nên biết bao điều kỳ diệu. Như làng Tượng, nơi người anh hùng áo vải Nguyễn Huệ- Hồ Thơm- từng dừng binh luyện voi để ba lần ra Bắc, giờ đã sầm uất một thị trấn Voi đông đúc biết ngần nào.
Người dân Kỳ Anh tin vào sự linh hiển của Chế thắng Phu nhân Bích Châu, là đức tin tâm linh có cội nguồn lịch sử. Ngày ấy, bà cùng chồng hành binh từ xứ sở Chăm Pa về tới đây, thốt dông tố nổi lên mịt mờ biển sóng. Trước nguy cơ đoàn chiến thuyền bị nhận chìm trong gang tấc, bà đã xõa tóc khấn nguyện an bình, rồi gieo tấm thân ngọc ngà xuống biển sâu hiến tế. Nhờ thế mà biển lặng trời yên trở lại. Có tích lại cho rằng, bà cùng chồng dẫn quân giáp chiến, chẳng may trúng thương phải trở về. Ngang qua vịnh biển Kỳ Ninh, biết mình đang cơn nguy kịch, luôn cần người túc trực chăm lo, để tránh cản trở việc quân của Triều đình, bà đã lạy tạ nhà vua rồi gieo mình tuẫn tiết. Xác bà được sóng gió đưa vào cửa Hải Khẩu sông Vịnh. Long thể qua mưa gió bão bùng suốt mấy ngày đêm, vẫn hồng hào như chỉ mới thiếp vào giấc ngủ. Năm ấy cũng là năm lũ lớn ở thượng nguồn, đất cát từ non cao ùn về tả ngạn Hải Khẩu, đụn thành gò cao ngời ngợi. Lại thêm đinh, lim, sến, táu bị bị lũ xiết cuốn về, nhiều không biết cơ man nào mà kể. Vạn biển Kỳ Ninh đã táng mộ Bà trên gò ấy, cất đền thờ Bà bằng gỗ ấy. Gò cao lộng gió, cây tốt bời bời, xum xuê rợp cả một vùng qua năm tháng.
Khi về tới Thăng Long, Trần Thánh Tông đã nhiều lần cho thuyền binh vào cải táng hài cốt Chế thắng Phu nhân; nhưng lần nào cũng vậy, khi binh thuyền triều đình vào tới nơi, thì đang không, trời bỗng nổi gió mùa Đông Bắc. Quá tam ba bận. Biết linh thể của Bà không muốn rời xa vịnh biển, nhà vua đành sai người mài đá khắc bài vị cho Bà. Bà ở lại với vạn biển Kỳ Ninh đã gần bảy trăm năm. Linh hiển cứu đỡ vạn chài mỗi khi bão sóng. Tiếng đồn nức cả một dải duyên hải miền Trung dài dằng dặc. Khi Kỳ Anh chìm trong mưa bom bão đạn, thời giặc Mỹ leo thang gây chiến tranh phá hoại, chúng đã san phẳng nhiều nơi thành tro bụi, nhưng đền thờ Chế thắng Phu nhân, cho dù lỗ chỗ vết đạn bom, vẫn cứ trầm mặc uy nghi cùng năm tháng; mộ Bà không một mảnh bom mảnh pháo nào ghim vào được. Từ đây, nhìn phóng qua phá biển mênh mông ken dày sú vẹt, dãy Hoành Sơn sừng sững án ngữ cả một vùng trời nước đẹp như thơ. Kỳ Anh dựa vào Hoành Sơn nhất đái, vin vào lịch sử mà vượt qua sóng gió, vũng bước đi lên theo hướng mở ra biển rộng.
Nhung ơi, Em hãy tin! Hãy tin vào thế núi Hoành Sơn! Hãy tin vào một vùng mênh mông trời biển, sừng sững non cao, đang từng ngày đổi mới!
Tạm biệt nhé! Dặm đường thiên lý lại gọi anh cùng thời gian đang gọi. Nhưng Nhung ơi, Kỳ Anh trong tâm thức của anh đã trở thành điểm hẹn. Cung đường Bắc – Nam vắt qua nơi này, có bao giờ quên được!
Biển vẫn ngời xanh. Núi vẫn ngời xanh. Đồng ruộng vẫn ngời xanh. Tất cả vẫn ngời xanh. Xanh đến tột cùng màu xanh Kỳ Anh nao lòng muốn khóc. Khóc vì nhớ. Khóc vì thương. Khóc vì không thể cầm lòng không khóc.
Kỳ Anh. Kỳ Anh ơi!
Kỳ Anh, 23.7.06
Bút ký
Hồ Tĩnh Tâm
Post A Comment
Không có nhận xét nào :