Gửi lời tạ lỗi về Kỳ Anh quê tôi
(Người Kỳ Anh) Viết nhân ngày quốc tế Hạnh Phúc, suốt mấy hôm rồi VTV liên tục đưa tin, phỏng vấn từ cụ già đến em nhỏ, từ người miền xuôi đến người miền ngược, từ ông bà tiến sĩ, giáo sư, đến mấy em bé học chữ to, từ trí thức chính danh ( mấy đứa bằng giả, bằng dỗm chẳng nói làm gì ) đến các bà mua thúng bán mẹt chính chủ .
Câu hỏi duy nhất đưa ra :
– Thế nào là Hạnh Phúc ?
Những định nghĩa về hạnh phúc thật thú vị, muôn hình vạn trạng. từ ngỗ nghĩnh, ngây thơ đến triết lý cao siêu. Chỉ tiếc là chẳng thấy ai hỏi mình thế nào là hạnh phúc cả.Và cũng chẳng có câu hỏi thứ hai rất quan trọng :
– Bạn có đang thật sự hạnh phúc không ?
Một đất nước có chỉ số Hạnh Phúc đứng hàng thứ hai trên thế giới thì câu trả lời của công dân nước đó chắc cũng chẳng khó khăn gì.
Không ai hỏi thì tôi tự đặt câu hỏi cho mình :
Tôi có hạnh phúc không ?
Và tự trả lời :
-Không !
Chắc sẽ có bạn ngạc nhiên :
-Tại sao vậy, thưa lão gàn ?
Bạn cứ nhâm nhi cafe đi, có lẽ đấy cũng là những giờ phút hạnh phúc của bạn, mình thũng thẵng kể bạn nghe chuyện quê mình nhé.
….Gần bốn mươi năm trước, lần đầu tiên mình xa nhà. Cái thị trấn Kỳ Anh quê mình hôm đó chỉ có một đoạn quốc lộ 1A chạy qua, nắng và bụi, cha mẹ, anh chị, người yêu đưa tiễn . Nhờ thằng bạn cùng xóm mình đi học sơ cấp công an 6 tháng vừa kết thúc, mặc một bộ sắc phục công an vàng chóe, mới cóng ra đứng ngay lòng đường giơ tay vẫy mà mấy bác tài người miền nam lần đầu ra bắc sau khi nước nhà thống nhất được mấy tháng mới miễn cưỡng cho hai anh em mình quá giang (một đứa em họ sau này sang học ở Tiệp khắc ) trên chiếc xe hàng có bạt che để ra Tp.Vinh.
Bóng dáng quê nhà mình mang theo suốt 38 năm trường chinh là hình ảnh cha mẹ chạy với theo vẫy tay trong bụi mịt mù và cái nhà gạch hai tầng trơ trọi, duy nhất, không người ở ngay ngả ba trung tâm thị trấn.
Mảnh đất tuyến lửa của cuộc trường kỳ kháng chiến, một vùng quê của thơ của nhạc chỉ có thế thôi. Nếu muốn thêm chút nữa thì có thể nói rằng từ ngôi nhà gạch hai tầng đổ nát đó đi xuôi về phía biển, khoảng năm trăm mét là gặp khu trung tâm hành chính (huyện phủ ) từ thời Pháp thuộc để lại, nếu người ta biết giữ gìn tôn trọng di sản của ông cha mà tu sửa, hồi phục lại thì tôi cam đoan thành cổ Kỳ Anh của tôi không thua kém quy mô và giá trị kiến trúc, thẫm mỹ của thành cổ Quảng Trị. Nhưng mấy chục năm chiến tranh tàn phá ai mà quan tâm, bốn cầu gạch từ bốn hướng vào thành vẫn còn, hào lũy vẫn nguyên, tuy hoang tàn, bên trong thành chỉ là đất, gạch vụn và những vườn khoai xanh mướt…
Tôi mang theo bóng dáng quê nhà ra đi đến nay vừa tròn 38 năm 4 tháng. thỉnh thoảng ghé về thăm ít ngày rồi lại ra đi, thực tình cũng chẳng hiểu biết gì nhiều về quê hương mình như những nơi mình đã đi qua. Nhưng đấy là quê hương, nơi chốn bình yên nhất để ta trở về. Không ai thờ ơ được.
Bốn mươi năm tiến nhanh, tiến mạnh, tiến vững chắc lên chủ nghĩa xã hội, giờ thị trấn Kỳ Anh cũng đã có ít nhà phố mọc lên chạy dọc theo quốc lộ, có một vài khách sạn nhỏ khang trang, các cơ quan chủ chốt của huyện bố trí lan man trên các sườn đồi ngày xưa bọn mình đi hái củi, bứt rèng rèng * về đun thay củi, tuyệt không thấy một trung tâm phố thị điển hình,có quy cũ theo quy hoạch.
Chục năm nay nhà giàu ở Kỳ Anh cũng nhiều vô kể, một số đông là thanh niên đi lao động nước ngoài mang tiền về, một phần nhờ bán đất cho người Tàu ở khu công nghiệp Vũng Áng, một phần nữa là của …đầy tớ nhân dân. Thế cũng là mừng. Nhưng cái thành cổ Kỳ Anh hình như vẫn còn nguyên đó mà chẳng ai nhìn thấy.
Mấy năm trước cũng nghe rục rịch người ta có ý định thành lập một cái thị xã mới mang tên Hoành Sơn ở phía nam huyện lỵ, mình ngạc nhiên nhưng chẳng bàn gì. Tháng trước nghe mấy đứa cháu kể lại mình cũng không tin, nhưng nay thì hình như điều đó đang có nguy cơ trở thành sự thật.
Ôi Kỳ Anh quê hương tôi.
Các bác lảnh đạo Hà Tĩnh đang nghĩ gì vậy ? Sao không nhìn vào thị xã Hồng Lĩnh mà xem, sau mấy chục năm lên ngôi bây giờ đã có những gì ?
Thị trấn Kỳ Anh dù nhà cửa có khang trang hơn 40 năm trước một chút, nhưng thử xem đã có những gì ngoài giá đất trên trời và những làng người Tàu, những bảng hiệu tiếng Tàu nhan nhãn khắp phía nam huyện lỵ ? ngoài cái sự nổi tiếng : cơm Kỳ Anh và gái chợ Voi ? Tôi tự làm một phép so sánh hơi khiên cưỡng : Đem thống kê toàn bộ nhà phố,biệt thự, nhà máy, lăng phủ của toàn huyện Kỳ Anh liệu giá trị tài sản có bằng được một phường hoặc xã của Thuận An, hay Dĩ An của tỉnh Bình Dương chưa ? Không giám so sánh với một phường của Sài Gòn ?
Vũng Áng là một khu công nghiệp lớn, là niềm hy vọng của nhân dân Hà Tĩnh nói chung và Kỳ Anh nói riêng. Khu công nghiệp thì phải nằm xa thành phố, chỉ có thể hình thành một vài khu dân cư nhỏ dành cho công nhân khu công nghiệp thôi, mà Vũng Áng chỉ cách trung tâm thị trấn Kỳ Anh có 20 km, các bác định mở thị xã chổ nào ? bên cạnh thị trấn cũ ư ? hay trong khu công nghiệp Vũng Áng ?
Xin được nói thật : Nếu các bác cảm thấy có nhiều tiền thì sao không tập trung kiến thiết lại phủ huyện Kỳ Anh, nâng Kỳ Anh lên thị xã như các bác mong muốn luôn mà phải làm lại từ đầu một cái mới bên cạnh một cái cũ còn xơ xác giống như một cái làng ở Miền Nam thôi ? Một vùng đất do Pháp quy hoạch nằm giữa ngã tư, lên rừng, xuống biển, vào Nam, ra Bắc. Tôi vẫn nghĩ người Pháp đã làm Quy hoạch thì mọi cái đều đã hoàn hảo rồi, cả phong thủy, địa thế…và tôi cũng không tin là các nhà quy hoạch Hà Tĩnh, Kỳ Anh có thể làm tốt hơn.
Sông Trí thơ mộng tại sao không là điểm nhấn của một thành phố tương lai ? Bãi biển Kỳ Ninh xinh đẹp bên cạnh ngôi đền thờ Chế Thắng phu nhân Nguyễn Thị Bích Châu nổi tiếng, cung phi của vua Trần Duệ Tông, không phải là một nơi sơn thủy hữu tình vừa du lịch vừa tắm biển đó sao ?
Các bác lảnh đạo tất nhiên có những ý đồ riêng của mình, là một người con Kỳ Anh xa quê tôi chỉ có mong muốn các bác nên có những hội thảo khoa học công khai, nhất là phải hỏi ý kiến của nhân dân Kỳ Anh – nhân dân thật ấy chứ không phải mấy người đảng viên đại diện – xem có nên khai tử 180 năm lịch sử mang tên Kỳ Anh để thay vào cái tên lạ hoắc nào đó không, theo ý các bác để tên tuổi các bác được lưu danh.?
Các bác người trước người sau nhưng đều cùng thế hệ, học cùng trường với mình, suốt đời gắn bó với quê hương nên mình không giám quơ rìu, chỉ hy vọng đừng ai dùng quyền lực để chặt Kỳ Anh thành nhiều mảnh, làm xáo trộn thêm một miền đất không còn yên bình sau khi để người Tàu vào đầu tư. Như thế thì đau đớn cho mảnh đất Kỳ Anh lắm lắm.
Hôm nay, ngày quốc tế Hạnh Phúc, nếu bạn hỏi tôi :
– Hạnh Phúc là gì ?
Tôi sẽ không miễn cưỡng mà đáp rằng:
– Hạnh Phúc là Kỳ Anh quê tôi đừng bị chặt ra hai mảnh.
Mong lắm thay !
Xin gửi bạn vài dòng để tạ lỗi với quê hương
------------------------------------------------------------------
Lời tạ lỗi với quê hương
Sinh ra trên mảnh đất nghèo,
Đồng chua, nước mặn gieo neo bao đời.
Gió Lào thiêu rộp áo tơi
Đêm đông chung ổ rơm phơi ấm mình.
Mưa dầm thấm dột mái tranh
Tay cha chai sạn giật dành bão giông
Củ khoai củ sắn no lòng
Sớm hôm tay mẹ cấy trồng gặt phơi.
Từ trong nhịp võng à ơi
Theo con đi bốn phương trời, lời ru !
Ngọn đèn soi bước tuổi thơ
Cha thắp sáng cả thiên thu nghĩa tình.
Thuỷ chung son sắt quê mình
Kỳ Anh mảnh đất kiên trinh hào hùng.
Hoành Sơn quan hóa tên chung
Ai qua Xích Mộ* dừng chân lưng trời.
Đường về với mẹ hôm nay
Con đi suốt nửa đời người đó chăng?
Ân tình nợ mấy mùa trăng
Nỗi quê nợ mấy tháng năm cho vừa
Đất nghèo ươm những ước mơ
Mẹ cha gieo để bây giờ nên con
Cúi đầu tạ lỗi quê hương
Tóc hoa râm mới tìm đường thăm quê.
Bến đời ai tĩnh ai mê ?
Quê hương chỉ một lối về, người ơi .
Phù du góc bể, chân trời
Lòng như cánh hạc tìm nơi ẩn mình.
Ai về Trung**, Hải, Phương, Ninh
Lâm, Sơn, Thượng, Lạc, Long, Trinh, Nam, Đồng.
Cát vàng Hưng, Lợi, Phú, Xuân
Tiến, Khang, Giang, Thọ lúa đồng tốt tươi,
Má hồng ai thắm chợ Voi
Bắc, Hà, Hoa, Thịnh, cá tươi chợ Cầu,
Điện giăng sáng rực Tân, Châu .
Văn, Thư, Liên, Hợp**, trước sau vẹn toàn.
Ơn thầy bao chuyến đò ngang
Chở nâng cánh hạc con sang bến bờ
Đường về chỉ mấy câu thơ…
Tình quê trả biết bao giờ cho xong ?.
Xuân Lộc, Tháng 7/2008
**…** Những tên xã của huyện Kỳ Anh
Bài được viết trong hoàn cảnh, huyện Kỳ Anh đang vận động cho việc thành lập thị xã Hoành Sơn, trước nguy cơ mất đi những giá trị gắn liền với tên gọi Kỳ Anh, những người con Kỳ Anh, những trí thức trong và ngoài huyện đã có những và suy nghĩ gữi đến nhân dân và những người lãnh đạo. Đọc lại những tâm tư, góp ý vẫn thấy được nhiều ý nghĩa lớn. Tri ân.
Những bài viết liên quan, cùng thời điểm này:
Post A Comment
Không có nhận xét nào :