technology

business

Đền bù, GPMB chưa thỏa đáng phụ huynh cấm trẻ đến trường!?



Chia sẻ với phóng viên Ông Nguyễn Hữu Sum, Trưởng phòng GDĐT huyện Kỳ Anh cho biết: “Có nhiều lý do để phụ huynh không cho con em đến trường học, nhưng lý do chính là vì họ phản đối chính sách đền bù, giải phóng mặt bằng để thực hiện dự án Formosa nên cho con em nghỉ học để gây sức ép lên chính quyền địa phương”.


Đọc thêm bài viết:  Câu chuyện ở Đông Yên - Có Đông mà không yên

Chính quyền địa phương bất lực?


Nguyễn Thị Hoài Nga (13 tuổi, học lớp 7, áo hồng, ở thôn Đông Yên) và nhiều học sinh khác vẫn chưa đến trường

Sáng 30/3/2015, Ông Sum xác nhận vẫn còn 130 học sinh của 2 bậc học là tiểu học và trung học cơ sở tại thôn Đông Yên, xã Kỳ Lợi, huyện Kỳ Anh (Hà Tĩnh) vẫn chưa đến trường. Trong đó có 80 học sinh Trường Tiểu học Kỳ Lợi, 50 học sinh còn lại của THCS Kỳ Lợi. Ông Sum cũng cho biết thêm, từ đầu năm học mới cho tới nay, Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Kỳ Anh đã nhiều lần cử giáo viên tới nhà giải thích, vận động phụ huynh cho con em đến trường, các cô giáo chủ nhiệm đã hơn 10 lần đến từng nhà vận động nhưng vẫn không có kết quả. Ngoài ra, UBND xã Kỳ Lợi và chính quyền cấp huyện đã nhiều tháng dùng xe buýt đưa đón, chở học sinh từ các điểm trường cũ (Trường Tiểu học và THCS Kỳ Lợi cũ đóng tại thôn Đông Yên) lên các điểm trường mới (Trường Tiểu học và THCS Kỳ Lợi mới ở vùng tái định cư, thuộc xã Kỳ Phương, huyện Kỳ Anh) để học tập, nhưng vì không có học sinh đi học nên cuối cùng đã hủy việc đưa đón bằng xe buýt. “Chỉ còn mấy tháng nữa là hết năm học 2014-2015, giờ mà 130 học sinh còn lại được phụ huynh cho đến trường thì cũng đã muộn rồi. Nhưng chúng tôi vẫn tiếp tục vận động, giải thích phụ huynh để hi vọng sang năm học tiếp theo, số học sinh này sẽ được đến trường đầy đủ”, ông Sum nói thêm.
ông Hà Huy Cận, Chủ tịch UBND xã Kỳ Lợi, cho biết theo chủ trương của UBND tỉnh Hà Tĩnh thì từ tháng 8.2013 có tổng cộng 1.235 hộ dân ở thôn Đông Yên phải di dời lên tái định cư ở 2 xã Kỳ Phương và Kỳ Nam để nhường đất cho dự án Formosa. Nhưng đến nay vẫn còn 158 hộ chưa di dời, trong đó có 75 hộ chưa nhận tiền đền bù, số còn lại chưa chịu đo đạc đất để lên kế hoạch đền bù. “Dù chính quyền địa phương đã cố gắng để đưa số hộ còn lại lên vùng tái định cư và dùng mọi cách vận động để họ cho 130 học sinh đến trường nhưng đều không có kết quả”. Đề cập đến giải pháp thời gian tới, ông Cận cho biết sẽ tiếp tục nỗ lực giải thích, vận động, thuyết phục người dân di dời đến khu tái định cư và cho con em đến trường theo quy định.

Phụ huynh vẫn kiên quyết chối từ


Trường THCS Kỳ Lợi được xây mới ở vùng tái định cư để phục vụ cho học sinh thuộc diện di dời ở Thôn Đông Yên nhưng vẫn còn thiếu học sinh đến học


Trao đổi với phóng viên Báo Xây dựng nhiều phụ huynh ở thôn Đông Yên cho biết nhiều lý do mà họ không cho con em mình đến trường học. Ông Hoàng Công Nguyên (60 tuổi, thôn Đông Yên) cho biết vì điểm trường cũ nằm cách xa điểm trường mới hơn 25km (cả đi và về là hơn 50km) nên ông nhất quyết không cho hai đứa con là Hoàng Tầm Thường (14 tuổi, lớp 9) và Hoàng Thị Thanh Thúy (10 tuổi, lớp 5) đến trường. Ông Nguyễn Xuân Tình (53 tuổi, thôn Đông Yên) nói: “Vì Hội đồng bồi thường giải phóng mặt bằng của huyện Kỳ Anh đưa ra mức giá bồi thường đất đai cùng tài sản gắn liền trên đất quá thấp và thiếu công bằng giữa các hộ dân nên đến nay tôi vẫn chưa chịu nhận số tiền đền bù gần 1 tỷ đồng. Gia đình tôi kiên quyết phản đối tới cùng và không cho đứa con gái là Nguyễn Thị Hoài Nga, 13 tuổi, học lớp 7 tới trường”.
Tiếp xúc với một số phụ huynh, PV Báo Xây Dựng nhận thấy họ quá cứng nhắc giữa việc đền bù không thỏa đáng với quyền được đến trường của trẻ. Xin đừng vì lợi ích của người lớn mà làm mất đi sự hồn nhiên và quyền lợi của các em.
Theo Báo xây dựng

Xin mời các bạn đọc thêm bài viết đi tìm hiểu sâu hơn, nhiều chiều hơn:  Câu chuyện ở Đông Yên - Có Đông mà không yên 

Post A Comment
  • Blogger Comment using Blogger
  • Facebook Comment using Facebook
  • Disqus Comment using Disqus

Không có nhận xét nào :


three columns

cars

grids

health