technology

business

CỰ TUYỆT!

Người Kỳ Anh - Lời dẫn: Một bài viết có nội dung chuyển tải quá lớn, được mở đầu bằng những lời bênh vực ông Võ Kim Cự nhưng lại chưa tìm được một tiêu đề hợp lí. Sực nhớ đến một đoạn thơ của Cù Lú
Một ngày giữa dâu bể
In tơ nét, biển khơi
Trăm vàn những nỗi đời
Trăm vàn điều đểu trá
Tiền hóa con hà bá
Cắn, và cắn cuộc đời
Vũng vẫy giữa lòng người
Ngàn bình yên sứt mẻ
Một ngày…
Một ngày nữa cũng thế….
Một ngày giữa cuộc đời
Của một gã làm người
Giữa trăm ngàn....cự tuyệt.
tuyệt..tuyệt...


CỰ TUYỆT - cứ cho là cô đọng lại ý: Võ Kim Cự có thể đã từng mang đến những thứ "tuyệt vời" cho Hà Tĩnh nhưng ông thuộc một tổ chức có quyền lực tuyệt đối, thì dẫn đến những người trong tổ chức đó tha hoá tuyệt đối là đương nhiên.  Nếu không thay đổi gốc rễ vấn đề thì vẫn sẽ còn những "trăm ngàn...cự tuyệt..." nữa. Cầm quyền là một dịch vụ và bi kịch của xã hội Việt Nam hiện nay là không có một sự lự̣a chọn nào khác, ngoài duy nhất  một nhà cung ứng.
Nói thêm rằng, bài không được dành cho những bạn đọc mở miệng ra là chửi "phản động" (mà đến định nghĩa từ này cũng không hiểu). Cho dù, nhiều người dân Việt Nam vẫn chưa làm gì được cho đất nước ngoài việc phải đóng rất nhiều khoản thuế cao hơn ở các nước khác, nhưng tất cả chúng ta đều có quyền yêu cầu các lực lượng có trách nhiệm phải làm tốt hơn nữa công việc của mình trong việc sử dụng đồng thuế của dân. Bởi "tôi nghe những lời chỉ trích đó hàng ngày. Nhưng chính sức ép đó, những tranh luận mở đó, việc đối mặt với những khiếm khuyết của chính mình, và việc cho phép mọi người đều được có tiếng nói, đã giúp chúng tôi lớn mạnh hơn, thịnh vượng hơn" (B.Obama)

Ảnh này chỉ là một khoảnh khắc chụp hôm QH họp, nhưng có lẽ đã lột tả hết bản chất của câu chuyện thảm hoạ này (nguồn VnExpress)


Trong khi các phương tiện truyền thông, dư luận hướng mũi dùi vào ông Cự như một tội đồ duy nhất của thảm hoạ Fomosa đang được đẩy lên đỉnh điểm thì cũng là thời gian nhìn lại những việc ông ấy đã làm cho Hà Tĩnh.
Trước khi tham gia chính trị thì Võ Kim Cự là tổng giám đốc công ty khoáng sản Hà Tĩnh, một doanh nghiệp nhà nước với bao đặc quyền giống như hàng vạn doanh nghiệp nhà nước khác tại cái đất nước này. Ở Khoáng sản, ông ấy từng tìm được đầu ra cho Titan (xuất Nhật) trong khi trước đó chẳng ai làm được (dù thực tế là nếu không tìm được đầu ra, không khai thác thì sẽ tốt hơn). Ông Cự có tư duy tư bản nhưng lại mang hơi hướng cục bộ địa phương.

Ông Cự mang khao khát được nhìn thấy Hà Tĩnh thay da đổi thịt. Có lẽ cái khát khao ấy đã khiến ông này bằng mọi cách tìm kiếm nhà đầu tư kéo về Hà Tĩnh và bỏ qua nhiều vấn đề về môi trường hoặc không lường hết được. Ông tin vào tương lai của Formosa đến mức, ông đã sắp xếp người thân tín Cẩm Xuyên quê ông vào các vị trí lãnh đạo hiện tại của Kỳ Anh

Ông từng tâm sự : Quê choa nghèo, nghèo lắm, nỏ có chi trơn. Cho nên dừ ai mang đến công ăn việc làm cho dân choa, ai mang tiền đến giúp Hà Tĩnh thay đổi choa sẽ tạo điều kiện hết sức có thể. Khi cần cấp cứ gọi thẳng cho choa ...

Đối với nhà đầu tư ông ta tạo điều kiện hết cỡ có thể để thu hút về Hà Tĩnh. Sài Gòn Coop', bia Sài Gòn Hà Tĩnh, cụm đô thị Sông Đà, Wincom, Winmart ... Là những dự án ông ấy kéo về (chuyện lót tay thì chắc là đương nhiên, tuy nhiên chuyện đang nói tới góc độ năng động của quan chức).

Với hàng xóm láng giềng và ở quê (Cẩm Xuyên) ông này là người được quý, quý lắm luôn. Sát vách là nhà của một ông thương binh già, mỗi dịp lễ tết ông ta hoặc vợ đều qua thăm, cho quà, động viên.

Hầu như mỗi buổi sáng đều có người đến đứng trước cổng gửi đơn thư nhờ cậy. Ông này ít tiếp khách ở nhà trừ quan chức cấp cao hoặc mỗi năm vài lần đám giỗ. Mỗi sáng đều có  người đứng chờ ổng bước ra khỏi cổng để gửi đơn. Nghe trình bày vài câu hoặc ông ta sẽ nhận hoặc ông ta chỉ gửi đến đâu cho đúng chỗ rồi vội vàng lên xe đóng cửa (ông này đặc biệt đi làm đứng giờ).


Vợ ông này làm bên viện kiểm soát, bà ta chuyên đi làm bằng Taxi, hàng xóm xung quanh chưa bao giờ  thấy cả nhà đi xe công hay đại loại như vậy (người khôn thì làm thế, tiền thiếu gì mà phải đi lợi dụng mấy chiếc xe công).

Với con cái nghe đâu vợ chồng ông này khá nghiêm khắc (dù có đứa cũng chẳng ra gì). Có lần thằng con trai (ở riêng) nhậu xỉn khuya về hình như là định quậy, vào nhà không được nên leo rào từ một công ty kế bên bị bảo vệ tẩn cho một trận nhưng rồi không thấy nói gì sau đó.


Trên báo Phapluatplus giật tít: Cận cảnh căn biệt thự khủng "nội bất xuất ngoại bất nhập" của nguyên bí thư tỉnh ủy Hà Tĩnh Võ Kim Cự . Cơ sở nào cho những nhận định trong clip này? Trong khi ngôi nhà không có gì đặc sắc? Nó không thể gọi là biệt thự được. Nó thậm chí còn thua rất nhiều so với một số  căn nhà ở quê, đừng nói so với phố. Những tin dạng này trên báo rất nhiều. Cự chỉ là đề tài câu view rẻ tiền, giúp hạ nhiệt cho cơn thịnh nộ của dân thôi. Cự chỉ là người đưa Formosa vào Việt Nam, Cự đâu có quyền cho Formosa 70 năm, đâu có quyền cho Formosa tồn tại sau thảm hoạ. Báo chí đang ồn ào với Cự là cái thói thượng đội hạ đạp, giậu đổ bìm leo. Con mèo tha miếng thịt thì rượt đánh chí chết. Con hổ cắp mất con trâu thì run cầm cập trơ mắt ếch đứng nhìn.


VỚI NHIỀU NGƯỜI VÀ CHÚ CỰ 
Chú Cự kém Cha tôi hơn 20 tuổi. Giữa Cha và chú có mối thân tình anh em khăng khít. Khi Cha còn sống, Cha hay nhắc tới chú như nhắc tới người em với những đức tính tốt của một người lãnh đạo: Nhiệt tình, năng động. Cha cũng đã viết nhiều bài báo ca ngợi và hỗ trợ chú trong công việc. Ngày đưa tiễn Cha ra đi mãi mãi, chú đứng bên quan tài Cha khóc rất lâu. Đó là hình ảnh gây xúc động và khắc sâu vào tâm khảm của tôi. Thời gian sau, chú Cự vẫn hay lui tới thăm hỏi, động viên Mẹ tôi. Tôi là người hàm ơn chú. Có lẽ, một phần vì thế, mặc dù không sống ở quê hương, tôi vẫn luôn quan tâm, theo dõi những biến động ở quê nhà, những đường đi nước bước của chính quyền Hà Tĩnh. Tôi luôn khao khát được nhìn thấy những thay đổi tích cực trên quê hương đói nghèo dưới sự chèo chống của chú. Lúc đó, chú Cự đã là Chủ tịch tỉnh. Tôi hy vọng vào năng lực của chú 
Tôi chờ đợi và tôi đã ....thất vọng. Tôi cực kỳ thất vọng. Quê hương tôi vẫn vậy: đói nghèo, trì trệ, tiêu cực. Thu nhập bình quân đầu người của Hà Tĩnh vẫn nằm ở top thấp nhất nước. Hàng năm quan chức Hà Tĩnh vẫn phải xách cặp ra TW xin viện trợ. Nói nôm na là quê tôi chỉ làm ra một mà ăn đến hai. Chát đắng khi nhận ra rằng quê mình như đứa ăn xin. Xin hết lần này tới lần khác. Năm nào cũng xin. Ngân sách quốc gia như bầu sữa chung nhưng luôn phải cho Hà Tĩnh bú mớn nhiều hơn kẻ khác. Trái với cuộc sống người dân, quan chức quê tôi giàu có, phè phỡn. Có lẽ nếu tổ chức một cuộc thi về sự chịu chơi, giàu có với các quan chức các tỉnh khác, quan quê tôi chẳng kém cạnh gì, thậm chí còn vượt trội. Một chính thể phong kiến hiện đại ngự trị quê tôi. Trên là quan, dưới là dân. Rất rõ ràng. Một kẻ có hết, một kẻ không có gì. Gia tài cố hữu của dân là sự im lặng và thống khổ. Đã có những làn sóng di cư khỏi quê hương biệt xứ kiếm kế sinh nhai. 
Mấy chục năm về lại thôn quê không thấy có thêm nhiều ngôi nhà mới. Người già dần mất đi, lớp trẻ ra đi đầu không ngoảnh lại. Mà ngoảnh lại sao được nếu như học hành, đỗ đạt, cầm tấm bằng xin việc ở quê cũng phải chi hàng trăm triệu trở lên cho một vị trí xoàng xoàng trong một tổ chức nhà nước.
Tôi bắt đầu nghi ngờ về đường đi nước bước và năng lực của chú. Tỉnh ta, đồng ý là một tỉnh không có được mưa thuận, gió hòa, nhưng cũng không thể lấy đó để biện minh cho sự nghèo đói và một thể chế phong kiến hiện đại hiện hữu. 
Tỉnh ta, có đồng bằng, có miền núi, có sông ngòi chằng chịt, có biển trải dài, có nhiều khoáng sản, có nhiều danh lam thắng cảnh, có giao thông thuận lợi...., và, đặc biệt, có người dân thông minh, cần cù. Đó là miền đất văn vật. So sánh với nhiều tỉnh miền núi, quê ta có lợi thế hơn rất nhiều. Nhưng thực tế, chúng ta lại tụt hậu hơn họ. Chúng ta thật không xứng đáng với cái nghèo quá đáng đó 
Lòng dân bất an và thiếu niềm tin. Một thực tế là trước những vấn đề lớn, tiếng nói của dân không còn được quan tâm. Tiếng nói lương tri của những người dám nói, dám đả phá sự sai trái nhiều khi được đáp trả bằng bạo lực hay tù tội. Tôi đơn cử, những ngày tháng năm 2014, khi chính quyền tỉnh Hà Tĩnh thực hiện đề án sát nhập trường mần non và phổ thông (một đề án gây nhiều tranh cãi), bằng quyết định số 2286/QĐ-UBND ngày 08.08.2012, trên địa bàn Xã Hương Bình, Hương Khê, Hà Tĩnh. Người dân với nguyện vọng cho con em học tại trường làng. Họ không muốn bắt con em phải đạp xe hàng chục km trên cung đường nguy hiểm đến lớp. Chính quyền không chấp nhận nên đã dùng công an và quân đội trấn áp nhân dân. Dân cử đại diện ra Hà nội nhiều lần kêu cứu. Nhưng vô vọng. Vụ việc này được giới truyền thông và những người có trọng trách, có tâm huyết với ngành giáo dục quan tâm. Nhiều ý kiến cho rằng đây là đề án bất cập, gây khó cho dân. Chính quyền Hà Tĩnh đã dùng nhiều biện pháp mạnh tay hơn để dẹp bỏ trường THCS Hương Bình, đồng thời, ép HS lên xe buýt tới học cơ sở mới. Hơn thế, chính quyền đã bắt giữ và kết án 9 người dân từ mức án 24 tháng tù treo tới 30 tháng tù giam. Trớ trêu thay, chất lượng giáo dục, mục tiêu của đề án, từ đó tới nay không hề được nâng lên, những đứa trẻ hàng ngày vẫn phải đạp xe đi học hàng chục km từ nhà. Chúng kiệt sức nên không thể học hành tốt được. Nhiều em phải bỏ học, nhiều em phải theo cha mẹ chúng vào Nam, ra Bắc để tiếp tục việc học. Chính quyền Hà Tĩnh sau khi đã dẹp bỏ trường Hương Bình thì cũng cũng dẹp bỏ luôn việc họ đã hứa là đưa đón học sinh bằng xe buýt. Khi hỏi tại sao phải mạnh tay với dân như vậy, quan chức Hà Tĩnh trả lời rằng trường THCS Hương Bình là trường cuối cùng của đề án, nếu cho Hương Bình giữ lại trường thì những nơi khác cũng nổi dậy, đòi lại trường. Điều đáng nói là đề án này tiêu tốn 100 triệu USD và trường Hương Bình là điểm “chốt hạ” cuối cùng. Trường hợp tương tự cũng xảy ra ở một vài huyện khác của Hà Tĩnh. Đơn cử như ở xã Kỳ Lợi, Kỳ Anh, hơn 150 HS suốt thời gian hai năm không được đến trường. Một bức tranh xám xịt về giáo dục ở quê hương, mà những người vẽ nên bức tranh đó, không ai khác, là những người làm giáo dục, những lãnh đạo của Hà Tĩnh. Một lần trò chuyện với bạn bè ở quê, những người thân cận chú Cự, họ khẳng định rằng, với chú thì dân đừng có ho he, chú đập chết liền. Tôi được thực tế chứng minh tính đúng đắn của nhận định trên. Đeo đẳng trong lòng tôi là câu hỏi: Sao chính quyền ác với dân vậy? Ác quá.
Mấy tháng nay, cả dân tộc Việt bất an, phẫn nộ về những gì nhà máy thép Formosa gây ra trên quê hương Hà Tĩnh. Rất nhiều cá nhân, tổ chức muốn làm rõ trách nhiệm của chú vì rằng chú là người cầm trịch của dự án tai tiếng này. Không biết, đúng sai rồi có được phân giải! Tuy nhiên, mọi cái có lẽ sẽ không đơn giản, rồi sẽ có hàng trăm, hàng ngàn các công trình phân trần, giải bày từ nhiều tổ chức, cá nhân, trong đó có của chú. Rồi có thể, sẽ có những công trình nghiên cứu khoa học các cấp ra đời bảo vệ các luận án thạc sỹ, tiến sỹ...về vấn đề “đúng quy trình” này. Đặc thù quê ta là vậy. Nhưng có một đề tài sẽ ít người quan tâm đến, để viết nên một câu chuyện tốt đẹp, đó là câu chuyện LÒNG DÂN. Vâng, câu chuyện đó, chú và đồng sự cũng đã viết nhưng thay vì bằng bút, bằng nghiên, là những vết chém bằng con dao uy quyền. Lòng dân, ý dân là thứ đang bị cợt nhả và rẻ rúng.
Nếu được diện kiến với chú Cự, cháu chỉ sẽ nói lời cám ơn chú vì những gì chú đã dành cho gia đình cháu. Chỉ với gia đình cháu thôi.
‪#‎ThuyThanh‬.

VÕ KIM CỰ CHỈ LÀ CON TỐT THÍ TRONG MỘT CƠ CHẾ MÀ ĐẢNG LÃNH ĐẠO TẤT CẢ, KHÔNG CHỊU TRÁCH NHIỆM TRƯỚC PHÁP LUẬT, ĐỨNG TRÊN HIẾN PHÁP VÀ CHỈ BIẾT PHÊ VÀ TỰ PHÊ. DÙNG TIỀN THUẾ CỦA DÂN ĐỂ HỌC RÚT KINH NGHIỆM.

Fomosa, Cự không một tay che nổi trời để tự tiện cấp phép với thời hạn 70 năm. Một dự án lớn như vậy mà chính phủ đồng ý cho tỉnh cấp phép đầu tư cũng cho thấy cái chiến thuật đùn đẩy của quan chức trung ương. Mấy năm trước, mỗi lần có người của tổng công ty hạng thường ở Đài Loan sang thì giới chức chính phủ đã về trước một ngày chờ đón, "ngựa xe như nước áo quần như nêm".
Việt Nam mình có truyền thống khi khen thì ông to nhất nhận, khi kỉ luật thì đùn cho một ông thật bé nhận hết trách nhiệm. Vụ Formosa này thì to quá nên một ông to vừa vừa phải đứng mũi chịu sào.
Sự thật vấn đề là như vậy, cộng đồng mạng bức xúc bị bịt mắt vô tình làm công cụ cho chúng hạ bệ nhau mà thôi. Sẽ chẳng có ai bị xử ở cái đất nước mà quyền lực nhà nước nằm trong tay một nhóm người, nhân dân hoàn toàn không có tiếng nói. Và thể chế độc tài chừng nào còn duy trì (bởi quyền lực tuyệt đối dẫn đến tha hoá tuyêt đối) thì chừng đó đất nước tiếp tục bị tàn phá mà không ai cần phải chịu trách nhiệm.


Không Cự này vẫn có hàng tỉ Cự khác để tiếp tay cho thảm hoạ môi trường, bởi cái chế độ độc tài vẫn duy trì và cổ suý cho đám quan lại tham lam ngồi trên đầu nhân dân vơ vét.

Không Cự thì hàng loạt dự án thuỷ điện vẫn xoá sổ rừng già, không Cự thì Tây Nguyên vẫn "sập bẫy Tàu" để đào bới quặng Nhôm. Nay mai vỡ hồ bùn đỏ thì không chỉ là thảm hoạ.
Chốt lại vấn đề cốt lõi không nằm ở chỗ ông Cự hay một ai đó mà chính là đất nước này sẽ còn nhận lãnh nhiều thảm hoạ khi không có dân chủ, nhân quyền, tam quyền phân lập.


Báo chí đang truy vấn ông Võ Kim Cự và mục tiêu truy vấn chỉ dừng lại ở đó không đi xa hơn được. Chắc hẳn ai cũng đã biết, Việt Nam dưới thời kỳ lãnh đạo của Đảng luôn đi theo con đường tư duy nhiệm kỳ. Mọi quyết định cá nhân của các lãnh đạo theo giai đoạn đều theo đúng quy trình mà Đảng đã đề ra. Dồn hết sức tấn công ông Võ Kim Cự lúc này là cách cứu vãn hệ thống đúng đắn nhất (?!).

Việc cấp phép 70 năm cho nhà máy thép Formosa được moi lên thành tội như hiện nay đã được sửa chữa đúng quy trình sau khi đoàn thanh tra chính phủ có kết luận.

Vậy truy vấn ông Cự để làm gì?
Để người ta chỉ thấy lỗi cá nhân chứ không xem đó là lỗi hệ thống.
Tại sao ông Võ Kim Cự có thể im lặng và phớt lờ báo chí khi thảm hoạ xảy ra?
Đơn giản thôi, vì chính các đồng chí trong Đảng của ông cũng đã làm như vậy bao lâu nay.





Năm 2008, với quyết tâm lập thành tích thi đua nhằm thu hút đầu tư cho tỉnh Hà Tĩnh, ông Võ Kim Cự đã trở thành nhân vật đưa Formosa về tỉnh nhà. Và đương nhiên, một dự án tầm cỡ quốc gia thì mọi dự án, chiến lược và chương trình khảo sát không nằm ở cấp tỉnh. Thực tế không ai được quyền vào kiểm tra Formosa nếu không có quyết định của thủ tướng.

Sai phạm cấp phép 70 năm cho Formosa không chỉ là trách nhiệm cá nhân của ông Võ Kim Cự. Đó là sai phạm được bảo hộ bởi chính phủ, sau khi chạy đúng quy trình bôi trơn mọi thủ tục và các giấy phép đầu tư. Nó là quyết định của Bộ Chính trị và là mục đích chung của toàn hệ thống lãnh đạo từ trung ương đến địa phương bất chấp nhiều phản đối trong một thời gian dài. Và người trả giá cho sai phạm này chính là nhân dân 4 tỉnh ven biển miền Trung trước mắt.

Hiện nay mọi tội lỗi được đẩy hết sang ông Võ Kim Cự rất đúng quy trình thí tốt cứu hệ thống.
Các cơ quan chức năng từ trung ương đến địa phương không thể đánh Formosa bởi quan điểm ném chuột sợ vỡ bình do Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đề ra là bất di bất dịch. Chỉ có thể hy sinh một con sâu để cứu nguyên ổ sâu. Rút cục, Cự rồi cũng sẽ không hề hấn chi cả. Vì hệ thống quyền lực này sẽ biết bảo vệ lấy nhau nếu họ không muốn kéo nhau chết cùng.

Ảnh : Chủ tịch UBND tỉnh Võ Kim Cự đón tiếp Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đến thăm Vũng Áng hồi tháng 9/2014
Nói đi cũng nói lại, vấn đề của Việt Nam hiện nay không phải cái bàn cờ tướng. Và sẽ chẳng có con tốt hay con xe nào bị bắt đâu, chỉ là chiêu định hướng và mọi chuyện sẽ trôi vào quên lãng. Số phận của Formosa đã được định đoạt từ người có quyền lực lớn nhất, khi ông vào khích lệ tinh thần Fomosa ngay sau ngày cá chết.

Ngày 22/4, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cùng đoàn công tác Trung ương đã đi kiểm tra mô hình sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, khu dân cư mẫu nông thôn mới và tiến độ Dự án Formosa Hà Tĩnh…Cá chết trắng bờ biển Hà Tĩnh nhưng trong chuyến làm việc không một lời nào nhắc đến chuyện này.
Vô cảm! Lí do gì cho việc bác Trọng đến Hà Tĩnh ca ngợi sự thành công của khu công nghiệp Vũng Áng và đẩy nhanh tiến độ dự án Formosa mà không một lời chia sẻ với nỗi đau của ngư dân nơi này về vụ cá chết. TBT của 1 đảng lãnh đạo độc nhất, chia với những người dân đang chịu kiếp nạn một lời có mất gì đâu? Nhắc một lời cũng có tốn thì giờ gì đâu? Cũng không ai bắt ông phải buộc tội, phải truy tố, phải đóng cửa Formosa. Chỉ cần môt câu chia sẻ về những mất mát và nỗi đau đang có thật, thế thôi. Thế mà ông vẫn làm ngơ thiệt là không hiểu nổi.

Như vậy là sau hơn 3 tháng cá chết đã rõ nguyên nhân và gần 3 tháng sau chuyến về thăm Formosa Tổng bí thư đã không còn né tránh từ "cá chết", đã không im lặng. Đáng tiếc là có lẽ im đi còn hơn! Ngày 18-7, ông nói: Sự cố cá chết BẤT THƯỜNG gây không ít khó khăn cho công tác bầu cử.

Chiều 6/8, tiếp xúc cử tri tại quận Tây Hồ. Tại hội nghị, nhiều đại biểu cũng nêu vấn đề liên quan đến ô nhiễm môi trường ở các tỉnh miền Trung do Formosa xả thải đồng thời phải xử lý trách nhiệm của những người đã về hưu, chứ không phải về rồi là “hạ cánh an toàn”. “Xử lý nghiêm minh những cán bộ về hưu nếu có vấn đề, không phải về một cách an toàn được. Nếu về rồi mà việc làm ảnh hưởng đến toàn dân thì phải xử lý
Trả lời một số vấn đề bức xúc của cử tri, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cho biết, một số vấn đề nổi cộm lên cần phải quan tâm, giám sát như vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm, vấn đề ô nhiễm môi trường, vấn đề tổ chức bộ máy đang còn cồng kềnh quá… “Rất nhiều các vấn đề cần phải kiểm tra, giám sát. Không thể buông được. Lãnh đạo mà không kiểm tra thì coi như không lãnh đạo. Luật ra rồi mà không giám sát thì coi như vô nghĩa. Chúng ta còn phải cố gắng nhiều”.




Tổng bí thư im lặng thì cả hệ thống chính trị cũng im lặng là điều không khó hiểu. Quan sát thảm họa môi trường đã diễn ra ở vùng biển các tỉnh Bắc Trung Bộ không ngạc nhiên trước sự vô tâm và bất lực của toàn bộ hệ thống chính trị từ hành pháp đến lập pháp, vì thực tế họ không phải do dân bầu ra nên thật khó để đoái hoài đến quyền lợi của người dân.

Bộ ngành thì bảo Vũng Áng là khu công nghiệp có yếu tố nước ngoài nên không vào được.

Uỷ ban Nhân dân Hà Tĩnh thì bảo đang bận kiện toàn nhân sự không xuống được hiện trường.
Trong khi đó Đại biểu Quốc Hội và Đại biểu Hội đồng Nhân dân mang tiếng là đại diện cho ý chí, nguyện vọng của người dân nhưng cũng im lặng trong suốt thảm hoạ. Và rồi cảnh sát môi trường đã làm gì?!
Tuy nhiên, đáng ngại nhất vẫn là sự im lặng thụ động của các tổ chức đại diện quyền lợi của ngư dân, các nông hộ nuôi trồng thủy sản, bà con buôn bán thủy hải sản trong vùng - những người mà thảm họa này gây ảnh hưởng sát sườn nhất.
Hội Nông dân 6 tỉnh Bắc Trung Bộ đâu rồi? Tổng cộng nhân sự hàng ngàn người mà không làm gì được sao? Hội nghề cá? Hội Nuôi trồng thủy sản các địa phương đi đâu hết rồi? Rồi bà con buôn bán thủy hải sản ở chợ hầu hết là phụ nữ, họ không bán được hàng thế thì Hội Phụ nữ 6 tỉnh này đi đâu hết rồi? Cũng hàng ngàn cán bộ chứ có ít đâu?

Có cơ quan công an hay báo chí nào truy vấn những tổ chức này và những cá nhân như TBT Nguyễn Phú Trọng hay Nguyễn Tấn Dũng không? 


Báo cáo 23 trang Chính phủ gửi đến Quốc Hội về sự việc này có 9 dòng nói về trách nhiệm Chính phủ trong thảm hoạ Formosa, chiếm khoảng 1.5% :

"Đánh giá chung và bài học kinh nghiệm, báo cáo nêu, qua sự cố môi trường này, Chính phủ nhìn nhận, đánh giá đầy đủ, toàn diện hơn về những thách thức và vấn đề môi trường đặt ra trong chính sách phát triển hiện nay. VÀ XIN NGHIÊM TÚC RÚT KINH NGHIỆM TRONG CÔNG TÁC CHỈ ĐẠO ĐIỀU HÀNH PHÁT TRIỂN KINH TẾ XÃ HỘI."
Chính phủ đã kiểm điểm xong rồi đó, tự nhận hình thức rút kinh nghiệm. Gần 300,000 người bị ảnh hưởng sinh kế, cả một hệ sinh thái biển 250km của 4 tỉnh miền Trung bị hủy hoại cần cả nửa thế kỷ để hồi phục, nhưng kiểm điểm chỉ thế thôi đó. Quốc hội nghe vậy thì cũng chỉ biết vậy vì tổ chức Đảng mới là cơ quan quyền lực cao nhất.

Chúng ta làm gì được họ nào? Có lựa chọn nào khác ngoài họ không?

Thực tế Formosa có mặt ở Việt Nam là đúng quy trình và chỉ có Bộ chính trị đứng đầu là tổng bí thư là người đứng trên Hiến Pháp mới có thể cho phép Formosa đứng ngoài vòng pháp luật, không bị truy tố, chỉ bị xử phạt hành chính và tiếp tục được hiện diện tại Việt Nam thì rõ ràng việc quy toàn bộ trách nhiệm cho Cự trong việc cấp phép Formosa vừa không thỏa đáng, vừa có dấu hiệu chạy tội cho những cá nhân, tổ chức bên trên của ông ta, mà ai cũng rõ bao gồm các Bộ trưởng, Thủ tướng và cả Bộ Chính trị khóa trước.


Đổ hết lỗi lầm của một hệ thống từ địa phương tới trung ương lên đầu một cán bộ cấp dưới chắc chắn không phải là cách công lý được thực thi, càng không phải là cách giúp ngăn ngừa những thảm họa tương tự xảy đến trong tương lai, khi mà trách nhiệm không được đặt vào đúng địa chỉ của nó.


Tuy nhiên truy cứu trách nhiệm tất cả những kẻ đáng phải chịu trách nhiệm trong thể chế hiện nay lại BẤT KHẢ THI ở chỗ:


(1) Tổ chức chịu trách nhiệm cao nhất trong việc rước Formosa về là Bộ Chính trị trên thực tế là cơ quan nắm quyền cao nhất trong hệ thống, làm sao có thể tự truy cứu chính nó, sao có thể tự lấy đá ghè chân mình? Thủ phạm chính là thể chế độc tài, "luật là tao ,tao là luật" vì vậy vẫn còn đó, sống khỏe. Không Formosa này thì có Formosa khác. Chỉ khi nào người dân Việt Nam tách hẳn ngành tư pháp ra độc lập và có một tòa án bảo vệ quyền lợi cho mình thì lúc đó thủ phạm đích thực mới bị đưa ra trước vành móng ngựa. Còn bây giờ chỉ là tạm chấp nhận phép thắng lợi tinh thần của chủ nghĩa AQ.



(2) Ông Cự khẳng định cấp phép cho Formosa có sự chấp thuận của Thủ tướng, 12 bộ chuyên ngành, các cơ quan nội chính, an ninh, quốc phòng. Mỗi người trong số này lại liên đới tới nhiều bộ phận khác trong tiến trình ra quyết định của họ. Trừ vài người đã nghỉ hưu, đa số họ hiện đang nắm giữ những vị trí cao cấp trong guồng máy. Truy cứu trách nhiệm tất cả họ được không?

Hoàn toàn không.
'Kỷ luật hết lấy ai mà làm việc hả các đồng chí?' - chỉ một câu buột miệng của Nguyễn Sinh Hùng 6 năm về trước nhưng đã toát lên toàn bộ sự tự tin của người cầm quyền chóp bu ở Việt Nam, tin rằng vị trí của họ là bất khả thay thế chừng nào mà đảng của họ vẫn tại vị.

Cầm quyền là một dịch vụ, và bi kịch của xã hội Việt Nam là hiện nay CHỈ CÓ MỘT NHÀ CUNG ỨNG.


Thông thường, khi gặp dịch vụ tồi tệ, người dân chúng ta - những người tiêu dùng - không hơi sức đâu nghĩ cách giúp nhà cung ứng nâng cao chất lượng, vì đấy là việc của họ, không phải của chúng ta.

Chúng ta làm một việc đơn giản mà hiệu quả hơn: 'Trừng phạt' họ bằng cách chọn MỘT NHÀ CUNG ỨNG KHÁC, để chính họ muốn tồn tại phải chủ động đổi mới.
Phương cách đơn giản đó hiện chưa được áp dụng trong thị trường chính trị đất nước, khiến đa số người cầm quyền chóp bu dù năng lực hạn chế, chỉ biết vinh thân phì gia chẳng thèm quan tâm đến chất lượng dịch vụ cung ứng cho xã hội, vẫn có thể ôm lấy Nguyễn Sinh Hùng trong giấc mộng 'vĩnh viễn không bị ai thay thế' với câu thần chú 'kỷ luật hết thì lấy ai làm việc?'


Đất nước đang thiếu cạnh tranh chính trị, nhân dân thì lại không dám dấn thân để thiết lập một xã hội cạnh tranh chính trị, chấp nhận toàn bộ thị trường cầm quyền bị thao túng chỉ bởi một nhà cung ứng, thế thì có khả thi không nếu chúng ta đòi hỏi được thụ hưởng những chính sách công tốt đẹp vốn là sản phẩm của dịch vụ cầm quyền?

Cùng logic đó, chúng ta dựa vào đâu để tin rằng sẽ không có những Formosa khác trong tương lai?

Trần Xuân (tổng hợp và bình luận)
Người Kỳ Anh
Post A Comment
  • Blogger Comment using Blogger
  • Facebook Comment using Facebook
  • Disqus Comment using Disqus

Không có nhận xét nào :


three columns

cars

grids

health