Công an bắt giam trái pháp luật hai tiểu thương chợ Kỳ Anh
Hai tiểu thương chợ Huyện Kỳ Anh bị công an bắt giam đã hơn 5 ngày khi họ đang trên đường đi công việc. Hai tiểu thương bị bắt cóc là bà Nguyễn Thị Lý, buôn bán tạp hóa, và bà Nguyễn Thị Ngọc Thảo, buôn bán hàng bánh kẹo. Họ bị bắt giữ vào sáng sớm ngày 21.11.2015, cho đến nay đã hơn 5 ngày. Đến tối cùng ngày 21.11, sau khi bị bắt giữ gần 12 giờ, công an mới gửi giấy thông báo tạm giam, giữ về cho gia đình hai tiểu thương này.
Công an tạm giam, giữ người dân trái pháp luậtMột tiểu thương chợ Huyện cũ Kỳ Anh thuật lại: “Sáng ngày 21.11, công an bắt giữ hai tiểu thương mà không đọc lệnh bắt gì cả. Sáng hôm ấy, cô Thảo đi mua cháo cho con nhưng không thấy về. Đến tối, công an viên tên là Nguyễn Ngọc Thiện, Phó trưởng công an thị xã Kỳ Anh, đem giấy thông báo về cho gia đình biết, cô Thảo đang bị tạm giam tại trại giam công an tỉnh Hà Tĩnh về tội ‘gây rối trật tự công cộng’. Họ nói là cô Thảo cứng đầu quá vì vận động mãi mà không chịu ký vào biên bản di dời chợ.”
“Còn bà Lý bị bắt giữ khi bà vừa mới ra khỏi nhà. Hàng xóm bà Lý kể cho tôi biết là, vào lúc 4 giờ sáng [ngày 21.11.2015] có khoảng 5-6 người đậu chiếc xe tải trước cửa nhà bà Lý, thì người hàng xóm này hỏi ‘các anh đứng ở đây làm gì, thì họ nói họ là công an, đang canh chừng và bắt những kẻ bắt trộm chó’. Những công an viên này nhờ người hàng xóm tắt đèn điện sân để dễ bắt những kẻ trộm chó. Đến khoảng gần 6 giờ sáng, bà Lý vừa ra khỏi nhà để đi chợ thì bị tóm lên xe luôn. Đến 6 giờ tối, công an gửi giấy thông báo cho gia đình bà Lý biết, bà bị tạm giam tại trại giam công an tỉnh Hà Tĩnh về tội ‘gây rối trật tự công cộng’. Công an không đưa trực tiếp cho gia đình bà Lý mà phải nhờ người khác gửi.” Tiểu thương này nói tiếp.
Hoàn cảnh kinh tế của bà Thảo éo le hơn so với bà Lý nên bà con tiểu thương chợ Huyện cũ Kỳ Anh đã đồng hành với gia đình bà Thảo trong những lúc khó khăn này. Một tiểu thương chợ này cho hay: “Cô Thảo có hai đứa con nhỏ, lớn nhất là 6 tuổi, chồng đi làm ăn xa, bố-mẹ ốm yếu cần được người chăm sóc. Mỗi tiểu thương đóng góp một chút để mua sữa cho hai đứa nhỏ và mua thức ăn cho gia đình cô Thảo.”
Luật quy định giam, giữ người dân ra sao?
Theo quy định của Pháp luật tại Điều 6 Bộ Luật Tố tụng Hình sự: “Không ai bị bắt, nếu không có quyết định của Tòa án, quyết định hoặc phê chuẩn của Viện kiểm sát, trừ trường hợp phạm tội quả tang. Việc bắt và giam giữ người phải theo quy định của Bộ luật này…”.
Cũng theo qui định Bộ luật Tố tụng Hình sự trong trường hợp ‘bắt bị can để tạm giam’ thì “lệnh bắt phải ghi rõ ngày, tháng, năm, họ tên, chức vụ của người ra lệnh; họ tên, địa chỉ của người bị bắt và lý do bắt. Lệnh bắt phải có chữ ký của người ra lệnh và có đóng dấu.
Người thi hành lệnh phải đọc lệnh, giải thích lệnh, quyền và nghĩa vụ của người bị bắt và phải lập biên bản về việc bắt.
Khi tiến hành bắt người tại nơi người đó cư trú phải có đại diện chính quyền xã, phường, thị trấn và người láng giềng của người bị bắt chứng kiến. Khi tiến hành bắt người tại nơi người đó làm việc phải có đại diện cơ quan, tổ chức nơi người đó làm việc chứng kiến. Khi tiến hành bắt người tại nơi khác phải có sự chứng kiến của đại diện chính quyền xã, phường, thị trấn nơi tiến hành bắt người” (khoản 2 Điều 80).
Và “Người thi hành lệnh bắt trong mọi trường hợp đều phải lập biên bản.
Biên bản phải ghi rõ ngày, giờ, tháng, năm, địa điểm bắt, nơi lập biên bản; những việc đã làm, tình hình diễn biến trong khi thi hành lệnh bắt, những đồ vật, tài liệu bị tạm giữ và những khiếu nại của người bị bắt.
Biên bản phải được đọc cho người bị bắt và những người chứng kiến nghe. Người bị bắt, người thi hành lệnh bắt và người chứng kiến phải cùng ký tên vào biên bản, nếu ai có ý kiến khác hoặc không đồng ý với nội dung biên bản thì có quyền ghi vào biên bản và ký tên.
Việc tạm giữ đồ vật, tài liệu của người bị bắt phải được tiến hành theo quy định của Bộ luật này” (khoản 1 Điều 84).
Do đó hành vi của công an bắt cóc hai tiểu thương này ngay giữa ban ngày, sau đó mới gửi giấy thông báo về cho gia đình là trái với quy định của pháp luật.
Chính quyền kiên quyết di dời chợ vì món lợi nhuận ‘khổng lồ’
Trong một bài viết có tựa đề “Di dời Chợ Kỳ Anh: Cuộc “đấu” chưa có hồi kết” được đăng trên báo Hà Tĩnh cho biết: “Tháng 10/2015, chợ hoàn thành và đưa vào sử dụng với tổng mức đầu tư 162,456 tỷ đồng, gồm 1.200 ki ốt, nhà kho đông lạnh rộng 150m2, khu vực chợ trời 1.000 m2. Vậy là, từ mục tiêu nhỏ, công ty Châu Tuấn và UBND huyện Kỳ Anh (nay là thị xã Kỳ Anh) đã thay đổi mục tiêu chợ Cầu Đình, thay thế cả chợ Huyện, một trong những chợ lâu đời nổi tiếng của tỉnh Hà Tĩnh.”
Nhận xét về thông tin này, một tiểu thương chợ Huyện cũ nói: “Với mỗi kiốt được bán theo giá từ 400 triệu đồng trở lên, chỉ lấy giá thấp nhất nhân với 1200 là 480 tỉ đồng, vậy nếu như lấy giá trung bình là gần 600 tỉ đồng. Xây dựng chợ với vốn hơn 162,4 tỉ đồng và nếu như bán hết được số kiốt này là thu về gần 600 tỉ đồng, và số tiền này sẽ về túi những ai? Một phần nào có thể giải đáp lí do phải cưỡng chế và không cho chợ truyền thống tiếp tục chung sống.”
Bài báo này cũng khẳng định chính quyền tỉnh Hà Tĩnh đã ‘lập biên bản giả nhằm đạt mục đích’. Bài báo “Di dời Chợ Kỳ Anh: Cuộc “đấu” chưa có hồi kết” viết: “Một lãnh đạo cấp tỉnh cho rằng: việc xây dựng chợ Cầu Đình đã được thông qua ý kiến toàn dân. Nói xong, ông đưa ra “Biên bản tham vấn cộng đồng” được lập ngày 20/1/2015 như một bằng chứng. Biên bản có chữ ký của bà Bạch Thị Hường, Giám đốc công ty tư nhân Châu Tuấn, Trưởng ban quản lý chợ Kỳ Anh và chữ kỹ của 9 người (đại diện cho 570 hộ kinh doanh).”
Trong khi đó, chính các tiểu thương chợ này tố cáo nhà cầm quyền địa phương đã lập “Biên bản tham vấn cộng đồng’ với nhiều chữ ký khống, giả mạo.
Sau đó, không biết vì lý do gì bài viết trên đã bị gỡ bỏ.
Tiểu thương càng mạnh mẽ hơn vì khẳng định chính quyền làm sai
Hiện nay, các tiểu thương chợ Huyện cũ Kỳ Anh sống trong tình trạng lo lắng và hoang mang, vì công an không bảo vệ nhân dân mà còn sử dụng chiêu trò bắt cóc người dân theo kiểu xã hội đen, khiến các tiểu thương ngày càng phẫn nộ hơn. Mặc dù sống trong tình trạng như vậy, hằng đêm, có khoảng 60 bà con tiểu thương vẫn ngủ đêm tại chợ, để canh giữ chợ.
Về phía chính quyền, vẫn huy động lực lượng công an canh gác chợ và cấm người dân vào giao thương với bà con tiểu thương. Đây là lệnh của ông Chủ tịch UBND Thị xã Kỳ Anh.
Trước đó vào ngày 12.11, công an khởi tố vụ án ‘gây rối trật tự công cộng’ liên quan vụ việc phá dỡ chợ Kỳ Anh. Các tiểu thương chợ này cho rằng, công an cố tình xây dựng ‘kịch bản’ khởi tố vụ án ‘gây rối gây mất an ninh trật tự’ đối với một số tiểu thương nhằm gây sức ép, tạo nỗi sợ hãi cho các tiểu thương khác để họ chùn bước không được đi khiếu kiện nữa.
Bốn lý do khiến các tiểu thương chợ này không dời sang chợ mới: Thứ nhất, chính quyền địa phương chưa có cuộc họp nào với các tiểu thương, để xem ý kiến của họ như thế nào về việc chuyển sang chợ mới. Thứ hai, chính quyền địa phương làm giả văn bản ‘tham vấn cộng đồng’ với nhiều chữ ký của các tiểu thương đồng ý sang chợ mới. Thứ ba, chợ mới cách xa khu dân cư. Thứ tư, tại chợ mới, giá sạp quá cao các tiểu thương không đủ tiền mua. Thứ năm, đường giao thông ở chợ mới nguy hiểm, chợ mới chưa đưa vào hoạt động nhưng đã có ba tai nạn xảy ra và đường xá không có điện.
Trước đây, chợ Huyện cũ còn gọi là chợ Hôm có từ thời Pháp và sau này được đổi tên là chợ Huyện Kỳ Anh hoặc chợ Huyện cũ với diện tích là 8000 m2. Vào năm 1994, chợ Huyện cũ xuống cấp nên chính quyền cho xây dựng lại chợ và mỗi năm các tiểu thương phải đóng tiền mua kiốt.Chính quyền địa phương đã ra văn bản cấm người dân mua bán tại chợ Huyện cũ. Tuy nhiên, một hành động tương tự của chính quyền Di Linh, Lâm Đồng đã bị ‘tuýt còi’ là văn bản trái luật, buộc chính quyền Di Linh phải thu hồi văn bản cấm này.
Post A Comment
Không có nhận xét nào :