Ngành GD đã để họ rơi vào bi kịch: Bức tâm thư của cô giáo mang bầu 8 tháng vượt 400km gửi Bộ trưởng
“Không có nghề nào đẹp đẽ và cao quý như giáo dục nhưng giáo dục Kỳ Anh- Hà Tĩnh đã giáng một đòn quá đau vào chúng tôi”.
Đó là những lời gan ruột mà cô giáo Trần Thị Hồng, sinh năm 1980, ở thôn Đồng Phú, xã Kỳ Đồng, huyện Kỳ Anh, Hà Tĩnh gửi Bộ trưởng Bộ Nội Vụ. Dù đang mang thai ở tháng thứ 8, cô Hồng vẫn cùng với một số đồng nghiệp, vượt 400 cây số từ Kỳ Anh ra Hà Nội để kêu cứu về việc họ bỗng dưng bị một số lãnh đạo huyện Kỳ Anh cắt hợp đồng dạy học tại chính ngôi trường mà họ gắn bó gần 10 năm.
Vụ 214 giáo viên bị sa thải: "Ngành giáo dục đã để họ rơi vào bi kịch"
“Đừng nghĩ chấm dứt hợp đồng lao động đối với một cô giáo là đơn giản chỉ là tờ giấy trắng mực đen ai đó đặt bút ký là xong. Đằng sau đó là những hệ lụy khủng khiếp. Thử nhân lên với con số 214 giáo viên thì tưởng tượng những hệ lụy đó càng đau lòng biết bao”, Luật sư Trần Đình Triển nêu ý kiến.
Như báo Gia đình Việt Nam đã đưa tin, do bức xúc trước quyết định cắt hợp đồng giảng dạy của lãnh đạo huyện Kỳ Anh và sau nhiều lần làm việc bất thành với lãnh đạo tỉnh Hà Tĩnh, đại diện của 214 giáo viên đã ra Hà Nội để kêu cứu báo chí, đài truyền hình, Bộ Nội Vụ, mong có được một lời giải đáp và một giải pháp tốt nhất để cứu vãn sự nghiệp của họ.
Mặc dù hầu hết trong số họ đều gặp nhiều vấn đề về sức khỏe nhưng tất cả đều cố gắng vượt qua nỗi đau cả thể xác lẫn tinh thần với một quyết tâm tìm kiếm một câu trả lời thỏa đáng cho những bất công mà họ đang phải gánh chịu. Một cô giáo mang bầu ở tháng thứ 8, một cô giáo phải mang cả con nhỏ đi cùng vì không thể gửi cho ai, số còn lại đều không quen với việc đi xe ô tô vượt cả chặng đường 400 cây số và những ngày lang thang vạ vật ở các vỉa hè khói bụi của Hà Nội.
Chịu đựng sống những ngày vạ vật, vượt qua nỗi đau thể xác và tâm hồn để gõ cửa các cơ quan chức năng cấp cao nhất, những giáo viên này liệu có cơ hội để trở lại nghề đưa đò như họ mong mỏi?
Xung quanh sự việc này, PV Báo Gia đình Việt Nam đã có cuộc trao đổi với Luật sư Trần Đình Triển - Trưởng Văn phòng Luật sư Vì Dân.
Thưa luật sư, mới đây sự việc 214 giáo viên ở huyện Kỳ Anh, Hà Tĩnh bất ngờ bị sa thải cũng khiến dư luận hoang mang. So với vụ việc của 185 giáo viên mầm non Sóc Sơn, Hà Nội, ông đánh giá thế nào về sự việc này?
Vấn đề liên quan đến giáo dục trong thời gian gần đây nổi cộm lên ở hai địa phương là Sóc Sơn, Hà Nội và Kỳ Anh, Hà Tĩnh. Cùng một hiện tượng giống nhau là bất ngờ bị sa thải nhưng cách giải quyết của Ủy ban nhân dân ở mỗi địa phương lại khác nhau. Qua nghiên cứu hồ sơ, tôi thấy ở Kỳ Anh, họ ký hợp đồng thời hạn một năm, sau đó cứ gia hạn tiếp và thậm chí cuối cùng là gia hạn hợp đồng ký trong 3 năm.
Ở Kỳ Anh, trình độ giáo viên rất đáng ca ngợi. Đa số họ đều tốt nghiệp đại học và trong bao nhiêu năm đứng lớp, dù hoạt động ở dạng giảng dạy hợp đồng nhưng kết quả giảng dạy, lao động, thi đua của họ rất tốt.
Việc một lúc sa thải 214 giáo viên như vậy theo ông có điều gì bất cập?
Tìm hiểu hồ sơ, tôi nhận thấy kết luận và quyết định chính sách của huyện Kỳ Anh đới với 214 giáo viên này là không đúng. Thậm chí trái với đường lối của Đảng và pháp luật Nhà nước ta là luôn chú trọng và không ngừng đáp ứng công ăn việc làm cho người dân. Đồng thời không ngừng nâng cao đời sống cho người lao động cũng như công dân nói chung ở các mặt về phương diện giải quyết việc làm, tiền lương, thưởng và các mặt đời sống xã hội, các chế độ bảo hiểm. Thế nhưng có một điều rất lạ là trong các hợp đồng mà lãnh đạo huyện Kỳ Anh ký với các giáo viên, có những người dạy trên 10 năm, hưởng 85 % lương nhưng lại không được giải quyết về vấn đề bảo hiểm xã hội. Điều này là trái với các quy định pháp luật.
Luật lao động quy định, hợp đồng được ký 3 lần thì phải chuyển sang dài hạn. Còn ở Kỳ Anh, có những giáo viên trong quá trình làm việc thời gian dù 3 năm hay 5 năm, mười năm, các cô vẫn chỉ được hưởng một mức lương đóng khung duy nhất, không được tăng lương, nâng bậc. Điều này, dưới góc độ về luật lao động chế độ tiền lương và luật bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế đều không đúng.
Sa thải bất cứ một lao động nào cũng là điều đáng tiếc, với một nghề cao quý như nghề giáo viên thì điều đó càng cay đắng, thưa ông?
Đúng vậy, việc xem xét, tuyển chọn trong ngành giáo dục cần hết sức cẩn trọng. Theo tôi, đây là một lực lượng lao động đặc biệt, họ giữ vai trò trồng người, chính họ là người dẫn dắt mầm mống tương lai, đào tạo những người kế nghiệp tương lai sự nghiệp cho đất nước vì thế những vấn đề liên quan đến họ cần được giải quyết thấu đáo, hợp lý. Nhà nước cần tạo điều kiện thuận lợi để cho họ thực hiện tốt nhất sự nghiệp trồng người. Thế nhưng những giáo viên ở huyện Kỳ Anh không những không được tạo điều kiện mà còn bị làm khó, bị từ chối.
Hợp đồng Ủy ban nhân dân huyện Kỳ Anh ký với các giáo viên này hoàn toàn sai so với những nguyên tắc cơ bản của luật giáo dục, viên chức và luật lao động.
Trong bộ luật lao động quy định rất rõ: Trường hợp doanh nghiệp hay người sử dụng lao động mà tổ chức đó bị giải thể, phá sản hay đổi mới cơ chế, yêu cầu cần thay đổi người lao động thì lúc đó mới được chấm dứt hợp đồng lao động đối với người lao động. Còn nếu nhu cầu vẫn đang cần thì không được sa thải họ.
Theo thông tin được các giáo viên này cung cấp, sau khi có quyết định sa thải 214 giáo viên thuộc diện hợp đồng, huyện Kỳ Anh hiện nay đang thiếu rất nhiều giáo viên. Mà đã thiếu giáo viên thì họ phải được ưu tiên ký hợp đồng . Còn việc họ có đươcc biên chế hay không thì phải cần nhớ đến cơ quan chức năng bồi dưỡng, đào tạo mở các khóa thi biên chế. Nếu họ rơi thì lại phải ký tiếp hợp đồng.
12 năm nay, cô Nga chỉ nhận một mức lương đóng khung và không được đóng BHXH, không được tham gia Bảo hiểm Y tế
Có nhiều câu hỏi dư luận đặt ra về những vấn nạn tiêu cực trong giáo dục, ông nghĩ sao qua sự việc này?
Với quan niệm và quy định của pháp luật như vậy thì quyết định mới đây của UBND huyện Kỳ Anh đặt bút ký quyết định chấm dứt hợp đồng với 214 giáo viên là điều rất vô lý, gây bức xúc dư luận và khiến dư luận đặt ra nhiều câu hỏi.
Câu hỏi thứ nhất là khi giáo dục thiếu và cần họ thì dùng đến, còn khi không cần nữa thì sẵn sàng lập tức chấm dứt để lấy người khác. Hoán đổi này, một dấu hỏi về mặt phương diện xã hội, liệu có vấn đề tiêu cực gì ở đây không. Đấy là câu hỏi rất lớn.
Nghề nào nghiệp đấy, đối với các giáo viên, với thời gian giảng dạy 5, 10 năm họ có rất nhiều kinh nghiệm. Đó không chỉ là kinh nghiệm chuyên môn mà còn là kỹ năng sư phạm, giáo dục tâm lý trẻ rất tốt. Việc tuyển chọn những người mới, liệu có đủ khả năng, kinh nghiệm và hiệu quả giảng dạy như họ. Chắc chắn là rất khó. Với người mới, họ sẽ bắt đầu lại từ con số 0 và dĩ nhiên nền giáo dục Kỳ Anh cũng phải mất thời gian để tập huấn, đào tạo, rèn luyện họ.
Tôi lấy ví dụ như một cảnh sát khu vực, họ đã quen thuộc với địa bàn mà mình theo dõi hàng năm nay, nắm rõ hoàn cảnh, tình hình từng hộ dân. Việc đưa một cảnh sát mới về thay thế chắc chắn sẽ không làm tốt bằng người cũ. Ngành giáo viên cũng vậy, kinh nghiệm 5, 10 năm nghĩa là họ đã có thời gian để khắc phục những hạn chế, đã có những va vấp để đúc rút kinh nghiệm, đã có những cơ hội để phát hiện và phát huy được sở trường. Chắc chắn họ đã có những nền tảng vững chắc trong sự nghiệp giáo dục.
Là người theo sát sự việc của 185 giáo viên Sóc Sơn, ông đã chứng kiến những hệ lụy đáng tiếc nào của họ?
Xét về góc độ nhà nước và xã hội đã thấy có quá nhiều bất công, vô lý còn về phương diện gia đình thì lại càng có nhiều xót xa, éo le, Bản thân các cô giáo khi tốt nghiệp đại học, cầm được trên tay tờ giấy quyết định đi dạy, đó là giá trị của cả một con người, có thể từ việc làm giáo viên, họ mới đi đến được việc xây dựng gia đình, giữ gìn phảm giá, danh dự của mình. Việc sa thải họ mà không có đủ lý do vô tình đẩy họ vào bi kịch, thậm chí là bước đường cùng.
Mới đây, có một cô giáo ở Sóc Sơn, vì quá sốc trước tin mình bị cắt họp đồng dạy học đã tái phát bệnh tim và qua đời. Có những cô giáo cuộc sống gia đình bị ảnh hưởng, vợ chồng lục đục dẫn đến ly hôn. Có những người, đang từ cô giáo lại trở nên thất nghiệp, suy nghĩ nhiều dẫn đến trầm cảm. Áp lực đối với họ là khủng khiếp. Người thông cảm thì chia sẻ, người đố kỵ không hiểu lại quay ra giễu cợt.
Đừng nghĩ chấm dứt hợp đồng lao động đối với một cô giáo đơn giản chỉ là tờ giấy trắng mực đen ai đó đặt bút ký là xong. Đằng sau đó là những hệ lụy khủng khiếp. Thử nhân những điều đó với con số 214 giáo viên thì tưởng tượng những hệ lụy đó càng đau lòng biết bao. Và còn một điều quan trọng nhất nữa, đó là niềm tin của giáo viên, học sinh đối với các cơ quan nhà nước và nền giáo dục Việt Nam đang bị đánh mất.
Xin cám ơn luật sư!
Đào Bích
HDHKyAnh xin đăng bức thư cảm động và xót xa này:"Kính gửi Bác Nguyễn Thái Bình - Bộ trưởng Bộ Nội Vụ
Hôm nay dù biết Bác bận trăm công nghìn việc nhưng tôi vẫn mạn phép xin Bác dành cho tôi và hơn hai trăm giáo viên vừa bị mất việc tại Kỳ Anh, Hà Tĩnh được bày tò tâm tư nguyện vọng của mình trong bức tâm thư này.Sinh ra trong một gia đình bố mẹ đều là những công nhân lâm trường Vũ Quang, Hương Khê, Hà Tĩnh (Nay là huyện Vũ Quang, Hà Tĩnh). Trong thời kỳ đầu xây dựng nước nhà, môi trường làm việc tại lâm trường khai thác gỗ nằm sâu trong đại ngàn Vũ Quang nên bảy tháng tuổi, bố mẹ đã gửi tôi về sống với ông bà ngoại ở Can Lộc, Hà Tĩnh với mong muốn cho tôi được đi học kiếm con chữ mong cho tôi có cuộc sống tốt hơn. Quả đúng như vậy, lớn lên chút nữa, khi tôi ý thức được những khó khăn của gia đình và sự khắc nghiệt của mảnh đất “chảo lửa túi mưa” chỉ có một con đường duy nhất để thay đổi tương lai đó là học tập.Nhìn những giáo viên tận tình dạy dỗ hàng ngày, trong tôi đã mơ ước sẽ có một ngày mình cũng là một cô giáo, tôi sẽ tiếp tục ươm mầm tương lai cho thế hệ trẻ ở những làng quê nghèo tại Hà Tĩnh quê tôi. Năm 2000, tôi nhận được giấy báo vào đại học. Ở quê tôi lúc đó là cả một thành tích lớn, cả làng đến chúc mừng, bố mẹ tôi thì vừa mừng vừa lo. Tiễn con vào nhập học, bố mẹ chắt chiu từng đồng lương công nhân để nuôi con ăn học. Những năm tháng ấy thật khó khăn đối với cả gia đình nhưng đổi lại bố mẹ vẫn tin tưởng vì đã cho con điều mà con mơ ước.
Năm 2006-2007, tôi về hợp đồng giảng dạy ở trường THCS Kỳ Khang, Kỳ Anh, Hà Tĩnh (Bốn năm hợp đồng tại trường vì không có chỉ tiêu biên chế). Tiền lương hợp đồng dưới một triệu nhưng được đứng trên bục giảng, được bước đầu thực hiện niềm mơ ước của cuộc đời mình tôi thấy thật vui và hạnh phúc. Miệt mài theo đuổi với nghề, đến năm 2009 tôi được ký hợp đồng chính thức với huyện Kỳ Anh và tiếp tục công tác tại trường THCS Kỳ Khang.
Hợp đồng với huyện tôi được đóng bảo hiểm xã hội đến nay là 5 năm, hưởng lương hệ số 2,3. Dù không được tính năm nghề, không được nâng lương, nâng bậc và thiệt thòi quyền lợi hơn các giáo viên biên chế khác nhưng trong suốt 9 năm công tác tại trường, tôi luôn nỗ lực hết mình để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Đối với nhà trường, tôi là một giáo viên có chuyên môn vững vàng, từng được anh chị em trong tổ chuyên môn tín nhiệm bầu làm tổ phó chuyên môn, ôn thi tuyển sinh khối 9 lên 10, là đoàn viên công đoàn tích cực, nhiệt tình. Đối với học sinh, tôi là một giáo viên có 7 năm làm công tác chủ nhiệm, tôi luôn gương mẫu trước học sinh, là người mẹ, người chị trước những tâm sự của các cô cậu học sinh tuổi THCS, là giáo viên chủ nhiệm tin cậy của các em. Với tôi, 9 năm công tác là cả một hành trình thực sự, vừa hiện thực hóa ước mơ, hoài bão vừa đúc rút kinh nghiệm.Cùng với sự giúp đỡ của ban giám hiệu nhà trường và đồng nghiệp, tôi thấy mình đã thực sự là thành viên của ngành giáo dục và để xứng đáng với nghề, tôi luôn trau dồi bản thân cả về kiến thức chuyên môn và đạo đức nghề nghiệp. Yêu nghề, gắn bó với nghề, tôi càng mong muốn được cống hiến cho ngành giáo dục nhiều hơn.
Cuộc sống thật không dễ dàng gì và chữ “nhưng” đến với tôi cũng thật bất ngờ. Ngày 30/9/2015 tôi và hơn 200 giáo viên khác tại Kỳ Anh đã chính thức bị chấm dứt hợp đồng theo văn bản tỉnh Hà Tĩnh gửi cho huyện Kỳ Anh và thị xã Kỳ Anh. Sau nhiều năm công tác nay tôi trở thành người thất nghiệp. Điều đáng nói ở đây là chúng tôi được giải thích rằng: Việc ký kết hợp đồng trước đây là sai, giờ phải sửa. Những người ký hợp đồng cho chúng tôi trước đây giờ đã nghỉ hưu, hoặc thuyên chuyển công tác khác còn ban lãnh đạo huyện mới về, họ không có bất cứ một trách nhiệm nào cả. Cách trả lời của các lãnh đạo mới với những trường hợp lao động như chúng tôi, đã gắn bó với công việc gần một nửa đời nghề, liệu có nhẫn tâmTrong một cuộc gặp mặt duy nhất, lãnh đạo huyện nói với chúng tôi: “Hãy để cuộc đời rẽ sang một hướng khác”. Nhưng người giáo viên - nghề cầm phấn, đứng trên bục giảng không phải là nghề mà ai cũng làm được, và cũng không phải sau 9 năm ròng rã cống hiến để rồi chỉ ngày một ngày là ra đi không hối tiếc.
Năm học 2015 – 2016 đã khai giảng hơn 1 tháng, mỗi buổi sáng thức dậy, lòng tôi vẫn bâng khuâng nghĩ đến trường lớp, học sinh, vẫn nôn nao khi nghĩ đến ngày đầu tuần chào cờ cùng các em trong nước mắt hạnh phúc. Nhìn các em áo trắng, khăn quàng đỏ đạp xe qua ngõ là tôi lại buồn lòng nghĩ đến tình cảnh hiện tại của mình. Cuộc sống vẫn tiếp diễn, trong tôi không chỉ có sự hoang mang như cái ngày nhận được tin nghỉ việc (25/8/2015) mà hơn thế tôi đang mất dần niềm tin. Không có nghề nào đẹp đẽ và cao quý như giáo dục nhưng giáo dục Kỳ Anh- Hà Tĩnh đã giáng một đòn quá đau vào chúng tôi.
Đã nhiều đêm không ngủ, trằn trọc, suy nghĩ thật nhiều, không đành lòng với tâm huyết bao năm theo nghề, tôi quyết định viết bức thư này gửi đến bác với hi vọng khi đọc thư, bác và Bộ Nội vụ có những động thái tích cực để giúp đỡ những giáo viên như chúng tôi có được cơ hội trở lại trường lớp, tiếp tục làm người “đưa đò”, để chúng tôi thực hiện sự nghiệp trồng người còn dang dở của mình và cũng là để những người lao động như chúng tôi được hưởng những quyền lợi thiết thực mà pháp luật nhà nước quy định.
Cuối cùng, tôi xin kính chúc Bác luôn khỏe mạnh, bình an trong cuộc sống. Xin chân thành cám ơn”.
Thà chết chứ ko bỏ nhà nước... có chạy 200tr mà lương tháng 2tr cũng chạy cố bằng được. Dân mình một là bám Nhà Nước,...
Posted by HỘI ĐỒNG HƯƠNG KỲ ANH on 31 Tháng 10 2015
Hội Đồng Hương Kỳ Anh
Post A Comment
Không có nhận xét nào :