Di dời chợ Kỳ Anh: Giả mạo tài liệu, con dấu, sao không khởi tố?
(Người Kỳ Anh) Mấy ngày qua, bà con tiểu thương chợ Kỳ Anh (Kỳ Anh, Hà Tĩnh) tiếp tục kéo đến trụ sở Công an thị xã Kỳ Anh để hỏi lý do vì sao đơn thư tố cáo hành vi giả mạo tài liệu, con dấu nhà nước vẫn chưa được cơ quan này thụ lý khởi tố vụ án (?!)
Thiếu căn cứ pháp lý di dời chợ?
Trước đó, bà con tiểu thương bức xúc việc chính quyền phát hành thông báo di dời, đập bỏ chợ Kỳ Anh, được biết đến là một chợ truyền thống có từ đời Pháp thuộc mà không nhận được bất cứ sự đồng thuận nào của bà con trong suốt quá trình lập dự án, xin chủ trương và xây dựng chợ Kỳ Anh mới.
Đỉnh điểm, ngày 11/8, hàng trăm tiểu thương đang kinh doanh tại chợ Kỳ Anh tập trung tại đường Phan Đình Phùng, gần trụ sở UBND tỉnh Hà Tĩnh yêu cầu gặp Bí thư, Chủ tịch tỉnh bày tỏ nguyện vọng được giữ lại chợ Kỳ Anh cũ, không muốn sáp nhập sang chợ mới dự kiến đưa vào sử dụng trong tháng 10.
Tuy nhiên, bất chấp phản đối của bà con tiểu thương, ngày 25/8/2015 UBND thị xã Kỳ Anh ra Thông báo số 81/TB-UBND quyết tâm đóng cửa chợ huyện và chợ Xép đưa chợ mới Kỳ Anh vào hoạt động.
Sau đó, tập thể hộ kinh doanh chợ Kỳ Anh có đơn khiếu nại chính thức gửi đến ông chủ tịch UBND thị xã Kỳ Anh, đồng thời gửi cho các cơ quan chức năng liên quan để phản đối nội dung thông báo 81/TB-UBND.
Theo đơn khiếu nại, bà con cho rằng, việc buộc di dời chợ là không có căn cứ pháp lý, chủ trương di dời chợ không thông qua ý kiến bà con là vi phạm quy chế dân chủ cơ sở, nói lý do chợ Kỳ Anh không thể cải tạo, nâng cấp là không phù hợp, đặc biệt, trong hồ sơ chủ trương di dời chợ cũ và xây dựng chợ mới có dấu hiệu hình sự về hành vi giả mạo tài liệu, con dấu của cơ quan nhà nước…
“Lách luật” để khỏi phải giải quyết khiếu nại?
Mặc dù trong đơn khiếu nại này, đương đơn là bà con đã tuân thủ về hình thức và nội dung đơn khiếu nại theo Luật Khiếu nại và đề nghị UBND thị xã Kỳ Anh giải quyết theo Luật Khiếu nại, nhưng UBND thị xã một lần nữa phớt lờ, né tránh giải quyết khiếu nại bằng cách “lách luật” trả lời đơn thư khiếu nại của bà con tiểu thương bằng một thông báo số 1837/TB-UBND ngày 25/9/2015, gọi là trả lời đơn kiến nghị, tuy bà con không có bất cứ văn bản kiến nghị nào (?!)
“Chúng tôi biết, mục đích của chính quyền khi phát hành công văn này là nhằm chặn con đường khiếu nại tiếp theo của bà con chúng tôi”, nhiều ý kiến của tiểu thương bức xúc nói.
Bà con tiểu thương lại một lần nữa làm đơn khiếu nại phản đối cái thông báo 1837/TB-UBND của UBND TX Kỳ Anh. Trong đơn lần này, bà con tiểu thương yêu cầu UBND TX Kỳ Anh giải quyết đơn thư khiếu nại theo Luật Khiếu nại và đồng thời tiếp tục tố cáo hành vi làm giả tài liệu, con dấu của chủ đầu tư – Công ty TNHH XNK Châu Tuấn.
Dấu hiệu hình sự đã rõ, sao vẫn chưa khởi tố?
Theo đơn khiếu nại, bà con tiểu thương phản ánh, cái gọi là “Biên bản tham vấn cộng đồng” do Công ty TNHH XNK Châu Tuấn lập ra với nội dung lấy ý kiến tiểu thương về chủ trương xây dựng chợ Nam thị trấn Kỳ Anh là giả mạo nhằm che mắt chính quyền, khi giả mạo chữ ký, con dấu của Ban Quản lý chợ huyện Kỳ Anh và chữ ký của các tiểu thương để chứng minh rằng đã nhận được sự đồng thuận của họ. Hành vi này là vi phạm pháp luật, có dấu hiệu của Tội làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức quy định tại điều 267 Bộ luật Hình sự.
Cùng với đơn khiếu nại, bà con tiểu thương cũng đã làm đơn tố cáo gửi đến cơ quan công an thị xã Kỳ Anh, Viện Kiểm sát nhân dân huyện Kỳ Anh cùng các cơ quan chức năng liên quan.
Theo quy định tại điểm a khoản 1 điều 20 Luật Tố cáo: “Nếu tố cáo thuộc thẩm quyền giải quyết của mình thì trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày nhận được đơn tố cáo, phải kiểm tra, xác minh họ, tên, địa chỉ của người tố cáo và quyết định việc thụ lý hoặc không thụ lý giải quyết tố cáo, đồng thời thông báo cho người tố cáo biết lý do việc không thụ lý, nếu có yêu cầu; trường hợp phải kiểm tra, xác minh tại nhiều địa điểm thì thời hạn kiểm tra, xác minh có thể dài hơn nhưng không quá 15 ngày;” thì cơ quan có trách nhiệm phải phản hồi đơn thư tố cáo của công dân theo quy định này.
Nhưng, hầu hết các cơ quan chức năng đều chìm trong im lặng, cho đến khi bà con tiểu thương kéo đến trụ sở công an thị xã Kỳ Anh và các cơ quan chức năng thì mới biết, ngày 21/8/2015 công an thị xã Kỳ Anh đã có công văn số 152/CV-CATX giải quyết tin báo phản ánh của công dân có nộ dung đề nghị Chủ tịch UBND thị xã Kỳ Anh chỉ đạo xác minh, kết luận nội dung tố cáo và chỉ xem xét thụ lý khi có kết luận vi phạm pháp luật của UBND thị xã Kỳ Anh. Từ đó, đến nay, bà con tiểu thương vẫn chưa nhận được bất cứ phản hồi nào liên quan đến nội dung tố cáo này?
Trung ương vào cuộc
Ngày 21/10/2015, UBND tỉnh có thông báo lãnh đạo UBND tỉnh phối hợp với Ban Tiếp công dân Trung ương tổ chức buổi tiếp các tiểu thương chợ huyện Kỳ Anh và chợ Xép nhằm làm rõ một số nội dung liên quan đến quá trình quy hoạch, xây dựng chợ Kỳ Anh; đồng thời trả lời các thắc mắc, kiến nghị của các tiểu thương trong quá trình đóng cửa chợ Huyện và chợ Xép.
Thành phần tham dự gồm đại diện Ban Tiếp công dân Trung ương, lãnh đạo UBND tỉnh Hà Tĩnh, UBND TX Kỳ Anh cùng các sở, ban ngành liên quan, đại diện chủ đầu tư và các tiểu thương…Buổi đối thoại được tổ chức vào lúc 14 giờ ngày 25/10/2015 tại Hội trường phường Sông Trí, TX Kỳ Anh.
Trước đó, ngày 3/9, gần trăm tiểu thương chợ Kỳ Anh đã ra Hà Nội gặp Ban Tiếp công dân Trung ương để phản ánh vụ việc, theo Biên bản buổi tiếp công dân và ý kiến ghi nhận của lãnh đạo tỉnh được lập cùng ngày thì UBND tỉnh sẽ chủ trì buổi đối thoại và có sự tham gia của Ban Tiếp công dân Trung ương trong khoảng thời gian từ 15/9 đến 20/9.
Dư luận mong rằng, sau buổi đối thoại này, hành vi vi phạm của những người liên quan sẽ được làm rõ để xử lý theo quy định của pháp luật và các bên sẽ sớm đưa ra được phương án giải quyết thống nhất đảm bảo quyền lợi hợp pháp cho các tiểu thương đang kinh doanh tại chợ cũ.
Theo đơn khiếu nại, bà con tiểu thương phản ánh, cái gọi là “Biên bản tham vấn cộng đồng” do Công ty TNHH XNK Châu Tuấn lập ra với nội dung lấy ý kiến tiểu thương về chủ trương xây dựng chợ Nam thị trấn Kỳ Anh là giả mạo nhằm che mắt chính quyền, khi giả mạo chữ ký, con dấu của Ban Quản lý chợ huyện Kỳ Anh và chữ ký của các tiểu thương để chứng minh rằng đã nhận được sự đồng thuận của họ. Hành vi này là vi phạm pháp luật, có dấu hiệu của Tội làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức quy định tại điều 267 Bộ luật Hình sự.
Cùng với đơn khiếu nại, bà con tiểu thương cũng đã làm đơn tố cáo gửi đến cơ quan công an thị xã Kỳ Anh, Viện Kiểm sát nhân dân huyện Kỳ Anh cùng các cơ quan chức năng liên quan.
Theo báo Sức Khoẻ Cộng Đồng
Người Kỳ Anh
Post A Comment
Không có nhận xét nào :