technology

business

Chợ Kỳ Anh: Giả mạo hồ sơ để quyết định di dời chợ?



Những ngày qua, bà con tiểu thương đã đồng loạt làm đơn cầu cứu đến các cơ quan chức năng về việc chợ Kỳ Anh (còn gọi là chợ Hôm vốn có từ thời pháp thuộc) đang có nguy cơ bị “xóa sổ”, khi UBND TX Kỳ Anh phê duyệt cho doanh nghiệp tư nhân xây dựng chợ mới. Theo phản ánh của các tiểu thương việc xây chợ Kỳ Anh không vì lợi ích chung, không tôn trọng di tích lịch sử lầu đời của chợ mà vì lợi ích của các cá nhân …




Hàng trăm tiểu thương tập trung trước cổng trụ sở UB tỉnh Hà Tĩnh. Ảnh: Trần Tuấn – Lao Động

Theo ghi nhận của phóng viên, chợ Kỳ Anh, nằm gần đường QL 1A là trung tâm kết nối, giao thương buôn bán giữa các xã từ miền núi, miền biển, đồng bằng và các vùng lân cận Hà Tĩnh. Với bề dày lịch sử của mình, nơi đây không đơn thuần là điểm kinh doanh, buôn bán mà còn là một địa chỉ giao lưu văn hóa. Vậy đâu là nguồn cơn khiến dư luận và tiểu thương bất bình?
Theo tìm hiểu của chúng tôi, việc phê duyệt dự án của UBND TX Kỳ Anh đã không nhận được sự đồng thuận của tiểu thương, không có chủ trương rõ ràng, thiếu sự minh bạch… Theo các tiểu thương, mãi đến khi chợ mới gần hoàn thành, chuẩn bị đi vào hoạt động thì UBND TX Kỳ Anh mới tổ chức các cuộc họp dân, yêu cầu các tiểu thương phải di dời vào chợ mới.
Lúc đó, bà con mới biết có Quyết định của Sở Công thương trong việc sáp nhập chợ Xép và chợ Kỳ Anh vào chợ mới do Cty TNHH XNK Châu Thành đầu tư xây dựng.
Tiếp xúc với chúng tôi, một tiểu thương cho biết: “Chợ mới được xây cách trung tâm khoảng 3 km, lúc đầu chúng tôi tưởng xây để phục vụ cho bà con chợ Xép (chợ tự phát được hình thành vào khoảng năm 1996). Bỗng dưng, năm 2014 Sở Công thương lại ban hành quyết định sáp nhập 2 chợ lại, khiến chúng tôi hết sức lo lắng, chẳng khác nào đặt chúng tôi vào thế đã rồi. Chưa hết, công ty Châu Thành là nhà đầu tư tư nhân, họ sẽ tận thu, trong khi buôn bán ngày một khó khăn. Để vào chợ mới bán, với mặt hàng như nhà tôi phải tốn khoảng 2,5 tỷ để thuê lô sạp, vậy có mấy ai đủ khả năng, chưa tính còn đủ các loại tiền như điện, nước, vệ sinh, bảo vệ… ”
Mặc dù các tiểu thương đang phản đối sự thiếu minh bạch trong việc đầu tư xây chợ mới, di dời chợ truyền thống, nhưng ngày UBND TX Kỳ Anh tiếp tục “mặc kệ”, ra nhiều thông báo đi ngược lại với quyền lợi của tiểu thương. Nên ngày 30/8/2015, bà con tiểu thương đã có đơn khiếu nại và tố cáo gửi đến các cơ quan chức năng và người có thẩm quyền, nhưng đến nay vẫn chưa văn bản trả lời kết quả thụ lý hay không thụ lý đơn thư (!?). Mới đây, bà con tiểu thương lại tiếp tục gửi đơn yêu cầu giải quyết khiếu nại (lần 2), đồng thời cũng gửi vượt cấp đến các bộ, ban ngành Trung Uơng, gửi đến cả Thủ Tướng Chính phủ, với nội dung: Yêu cầu UBND TX Kỳ Anh thu hồi, hủy bỏ Thông báo số 81/TB-UBND ngày 25/8/2015 vì có nội dung trái pháp luật; Tố cáo có dấu hiệu tạo dựng giả mạo hồ sơ, chữ ký, con dấu của Cty TNHH XNK Châu Thành kiến nghị xử lý theo luật định.
Giả mạo hồ sơ để xin chủ trương di dời chợ ?
Trong đơn khiếu nại lần 2, bà con tiểu thương nêu rõ: Cái gọi là “Biên bản tham vấn cộng đồng” do Cty TNHH XNK Châu Thành lập ra với nội dung lấy ý kiến tiểu thương về chủ trương xây dựng chợ Nam thị trấn Kỳ Anh là giả mạo nhằm che mắt chính quyền, khi giả mạo chữ ký, con dấu của Ban Quản lý chợ huyện Kỳ Anh và chữ ký của các tiểu thương để chứng minh rằng đã nhận được sự đồng thuận. Hành vi này là vi phạm pháp luật, có dấu hiệu của Tội làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức quy định tại điều 267 Bộ luật Hình sự cần phải xử lý nghiêm minh. Cũng chính Biên bản tham vấn cộng đồng này làm cơ sở để chính quyền tin rằng, việc xóa bỏ, di dời chợ huyện truyền thống đã nhận được sự đồng thuận của bà con tiểu thương, nên mới có Thông báo số 81/TB-UBND một cách vội vàng như thế !?
Nhiều ý kiến tiểu thương tại chợ Kỳ Anh cho biết: “Nếu có sự đồng thuận chủ trương từ đầu, biết đâu chúng tôi cũng sẽ là nhà đầu tư theo hình thức cổ phần hay HTX…, nhưng phải được xây dựng trên nền chợ truyền thống mới hợp lý, bởi đây là chợ truyền thống có lịch sử lâu đời, gắn liền sự tiện ích, thói quen trong cuộc sống, sinh hoạt của người dân nơi đây…”
Có quá nhiều khuất tất, bất thường trong việc phê duyệt dự án, cho doanh nghiệp tư nhân vào đầu tư, khai thác. Vì vậy, để làm rõ những phản ánh, tố cáo của các tiểu thương, các cơ quan chức năng của Hà Tĩnh cần nhanh chóng xem xét, rà soát thận trọng vụ việc này để tránh những tiêu cực, tránh tạo ra sự phẫn nộ trong dư luận địa phương.
Nhóm PVPL
Nguồn: Báo Nhà báo & Công luận



Post A Comment
  • Blogger Comment using Blogger
  • Facebook Comment using Facebook
  • Disqus Comment using Disqus

Không có nhận xét nào :


three columns

cars

grids

health