technology

business

CÁO TRẠNG CHO FORMOSA Và...Pháo Lệnh đưa Dân tộc sang một trang sử mới

(Người Kỳ Anh) Cá và hệ sinh thái biển thuộc lãnh thổ Việt Nam bị giết hại, thi thể được phát hiện đầu tiên từ vùng biển Vũng Áng – Hà Tĩnh vào rạng sáng ngày 06/4/2016 với tình trạng và số lượng khủng khiếp. Một tội phạm “không tưởng và bất nhân” đã hoàn thành !  Tội phạm đã gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng, vượt xa dự liệu của pháp luật hình sự. Nó đã vượt qua mọi giới hạn của Tội phạm học.  Đó thực sự là Thảm hoạ kinh hoàng cho toàn thể dân tộc Việt Nam. Có thể nói, nó còn đáng sợ hơn cả thảm hoạ 11/9 đối với nhân dân Mỹ.
 

Nó tác động đến mọi ngõ ngách của cuộc sống, từ miếng ăn trong bữa cơm đạm bạc của người nghèo đến nhu cầu du lịch giải trí của tầng lớp trung lưu, từ thu nhập của một ngư dân đến GDP của đất nước !  
Tất thảy – phàm là con dân Việt sống trên lãnh thổ Việt Nam – đều cảm thấy bức xúc và tự nhận thấy mình có trách nhiệm góp phần giải quyết thảm hoạ này !
Tại sao cơ quan chức năng vẫn im lặng đến kinh ngạc như vậy được ?
Có lẽ,
Họ đã tìm ra nguyên nhân từ lâu.
Nhưng…
Vì sao chưa công bố nguyên nhân cá chết ?
Có lẽ…
Công bố nguyên nhân cá chết mới chỉ là tuyên bố lâm sàng về nguồn bệnh, còn bản chất vấn đề là : bệnh nhân cần phác đồ điều trị và hiệu quả của nó thì…
Có thể chính quyền chưa có giải pháp khả thi.
Người ta có quyền nghi ngờ chính Đảng cầm quyền và Bộ máy Nhà nước về Bản lĩnh chính trị, về Năng lực đối phó với khủng hoảng, hoặc cả hai.
Quan sát động thái của giới truyền thông đại chúng trong suốt thời gian xảy ra thảm hoạ, có thể khẳng định rằng : sự lúng túng của chính quyền đã bộc lộ hết những thuộc tính yếu kém của nó.
Những người lính quả cảm, những anh hùng chống Pháp, chống Mỹ, thống nhất đất nước, chống Tàu, những người mang hào khí ngất trời khi xưa “Ra đi hai bàn tay trắng / Trở về một cõi Giang San” hãy còn đó…
Đứng trước hoạ “diệt chủng” này mà không mảy may xúc động, phẫn hận, và tuyệt không có kế sách gì sao ?
Hàng triệu ngư phủ, diêm dân suốt một dải Miền Trung đã thất nghiệp, đang rất đói, rất bức xúc…
Ngành kinh doanh ẩm thực, du lịch, khách sạn ven biển đang nếm trải những tháng ngày ế ẩm và tương lai thì hết sức mù mịt…
Trong thực đơn hàng ngày của chúng ta đã mất đi những món ăn ưa thích từ Hải Sản, sự đe doạ chết người bắt đầu đến từ những thứ không thể thiếu với người Việt cả ngàn đời nay : muối biển và nước mắm…
Trong kỳ nghỉ hè của con trẻ, bậc cha mẹ không còn dám dẫn hậu duệ của mình đến những danh thắng Miền Trung để Tắm Biển nữa…
Cái nguy hiểm nhất là nó có thể chặn đứng và phá hoại Đại sự xây dựng kinh tế biển của chúng ta. …
Chúng ta không cần thép để rèn đinh đóng lên nắp quan tài của mình !
Nhân dân sẽ rèn cuốc, xẻng để đào mồ kẻ thủ ác đã gây đại hoạ cho mình, sẽ luyện đinh câu rút để gim kẻ phá hoại vĩnh viễn vào trang sử đau thương của Dân tộc.
Chúng ta cần có một cuộc sống bình thường trong hoà bình !
Với tư cách là một công dân và là một cựu chiến binh, tôi xin đưa ra kiến giải của mình, rất mong được các nhà hữu trách tham khảo, xem xét, giải quyết; rất mong được các đồng môn, các nhà khoa học, bạn hữu cùng góp ý, chia sẻ. …
“Thảm hoạ cá chết” liên quan đến rất nhiều lĩnh vực của đời sống xã hội, và, dưới góc độ pháp lý là một “rừng” những văn bản pháp quy, văn bản hành chính, các sự kiện, các yếu tố, những hành vi bao trùm một hệ thống cơ quan nhà nước liên quan như Đầu tư, Xây dựng, Ngư nghiệp, Công thương, Hải quan, Thuế vụ, Môi trường, thậm chí cả Ban Tôn Giáo…, gồm một không gian rộng lớn gần như ôm trọn cả lãnh thổ Quốc gia và trải dài qua một thời gian cả chục năm giời.
Khả năng nào được cho là phù hợp nhất khi chúng ta xử lý vấn đề phức tạp này ?
Xin thử phân tích :
Trước hết, hãy cứ thẳng thắn nhìn nhận, rằng, xét trong bối cảnh hiện hữu, Formosa là nghi phạm chính.
THƯƠNG LƯỢNG.
Phương án này là bất khả, bởi Chu Xuân Phàm đã đuổi chúng ta ra khỏi Bàn Đàm Phán bằng Văn bản số 3215/GP-BTNMT, khi hùng hồn tuyên bố : "Muốn bắt cá, bắt tôm hay nhà máy, cứ chọn đi ! Nếu chọn cả hai thì làm thủ tướng cũng không giải quyết được…”
Đó là một khẳng định thẳn thắn và minh bạch, nhưng cũng đầy thách thức và đe doạ, khi họ Chu như gián tiếp tuyên bố, Rằng, họ đã có trong tay “Giấy phép Tử Thần”.
Giấy phép xả thải số 3215/GP-BTNMT của Bộ Tài nguyên và môi trường cấp cho Formosa do Thứ trưởng Nguyễn Thái Lai ký ngày 11-12-2015.
 
 
Họ Chu đã coi Văn bản này như “Lá Bùa Hộ Mệnh” cho Formosa !
 
Điều đó chưa hẳn là không có cơ sở.
Bởi, Formosa được phép xả nước thải ra vịnh Sơn Dương với khối lượng 45.000 m3/ ngày đêm và với hàm lượng :
+ Xyanua : cao gấp 58,5 lần;
+ Cadimi, Crom 6+ : vượt quá 11,7 lần,
+ Thủy ngân : 2,34 lần,
+ Tổng Phenol : 19,5 lần,
+ Tổng dầu mỡ : khoảng 23,4 lần; so với giá trị giới hạn của nước biển theo Quy chuẩn QCVN 10-MT:2015/BTNMT !
 
 
Với liều lượng độc tố như vậy thì hệ sinh thái biển khó tồn tại được.
Nhưng Thảm hoạ xảy ra từ ngày 06/4/2016 tại Biển Miền Trung thì khả năng liều lượng đó chưa đạt tới kích cỡ khủng khiếp như vậy.
 
HÀNH CHÍNH.
(Nghị định số 179/2013/NĐ-CP ngày 14/11/2013 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực môi trường).
Pháp luật hành chính trong trường hợp này gần như vô tác dụng và cực kỳ khó để xử lý rốt ráo.
Cụ thể :
+ Phạt tiền.
Phạt tiền tối đa đối với một hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường là 2.000.000.000 đồng đối với tổ chức.
+ Phạt bổ sung.
Tước quyền sử dụng có thời hạn đối với : Giấy phép xả nước thải vào nguồn nước; (tối đa 24 tháng).
+ Khắc phục.
- Buộc xây lắp công trình xử lý môi trường theo quy định; buộc vận hành đúng quy trình đối với công trình xử lý môi trường theo quy định;
- Buộc thực hiện các biện pháp khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường và các biện pháp bảo vệ môi trường theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường và đa dạng sinh học.
Chúng ta sẽ gặp rắc rối to khi Formosa trưng ra Văn bản 3215/GP-BTNMT và sử dụng mọi thủ đoạn để chứng minh rằng họ đang tuân thủ Pháp luật Việt Nam, và, cuộc tranh cãi tố tụng nhiêu khê đó, với sự lèo lái pháp lý của đám luật sư chuyên nghiệp sẽ kéo dài bất tận.
Trong trường hợp tệ hại nhất – Tố Ngược – Formosa có thể Khởi Kiện cơ quan quản lý nhà nước về đầu tư theo LUẬT ĐẦU TƯ.
Sẽ cực kỳ khủng khiếp nếu trong Đơn Kiện, Formosa ngoài việc buộc nhà nước ta bồi thường thiệt hại cho họ (Formosa đã đầu tư gần 10 tỷ USD), còn đòi nhà nước phải gánh trả cho họ cái gọi là mức “Lãi Kỳ Vọng” – một số tiền lãi tưởng tượng cho 70 đầu tư !
Trong bối cảnh tang thương ấy, chúng ta dù có bán cả Bán Đảo Đông Dương cũng không kham nổi số tiền “khủng bố” đó.
Vậy là, nếu xử lý bằng pháp luật hành chính tức là chúng ta tự “treo cổ” mình lên.
I/ CĂN CỨ ĐỂ KHỞI TỐ VỤ ÁN HÌNH SỰ.
1/ Quyền tài phán của Quốc gia.
Quyền tài phán (quyền xét xử) là một trong những nội dung cơ bản của Chủ Quyền Quốc Gia.
Quyền tài phán của Quốc gia trong lĩnh vực hình sự là quyền khởi tố, truy tố, xét xử, thi hành án, cưỡng chế, thu hồi Giấy phép, trục xuất… đối với mọi cá nhân, tổ chức trong lãnh thổ quốc gia Việt Nam.
2/ Cấu trúc của Tội phạm.
Để có thể xử lý một hành vi nguy hiểm cho xã hội, khoa học hình sự của Việt Nam đã xây dựng nên bộ khung gồm 4 yếu tố, kêu bằng CẤU THÀNH TỘI PHẠM.
Gồm :
a/ Khách thể của tội phạm.
Là quan hệ xã hội được Luật hình sự bảo vệ, bị tội phạm xâm hại, gây thiệt hại.
Trong trường hợp “Cá chết” chính là quan hệ của con người với con người về môi trường sống.
Trên thực địa, đó là sự huỷ hoại môi trường sinh thái biển, sự huỷ hoại môi trường sống của sinh vật, trong đó có con người bằng việc xả khói bụi độc hại của nghi phạm Formosa tại Khu công nghiệp Vũng Áng.
b/ Mặt khách quan của tội phạm.
Bao gồm các dấu hiệu : hành vi nguy hiểm cho xã hội, tác hại do tội phạm gây ra, mối quan hệ nhân quả giữa hành vi nguy hiểm và hậu quả do hành vi đó gây ra; thời gian, địa điểm; công cụ, phương tiện thực hiện tội phạm…
Điều này là quá rõ, bất kỳ một người Việt Nam nào cũng chứng minh được.
Formosa sẽ ra sức chứng minh rằng họ hoàn toàn tuân thủ Văn bản 3215/GP-BTNMT, nhiệm vụ của các cơ quan tố tụng là phải chứng minh họ đã có hành vi cố ý gây ô nhiễm môi trường với nồng độ độc hại vượt ngưỡng cho phép.
Để thống kê được mức độ thiệt hại, bao gồm cả thời gian và tiền của để khôi phục hệ sinh thái biển, môi trường sống quanh Khu Công nghiệp Vũng Áng thì phải cầu viện đến các Tổ chức Giám định, sự trợ giúp của các chuyên gia trong và ngoài nước để khảo sát, đánh giá, kết luận.
c/ Mặt chủ quan của tội phạm.
Là những biểu hiện bên trong của tội phạm, là thái độ tâm lý của người phạm tội. Mặt chủ quan của tội phạm gồm các dấu hiệu : lỗi, động cơ, mục đích cuả tội phạm.
Vấn đề này, đối với cơ quan tiến hành tố tụng của Việt Nam là món “Sở trường”, khỏi cần bàn cãi.
d/ Chủ thể của tội phạm. Là con người cụ thể thực hiện hành vi phạm tội, mà theo quy định của Luật Hình sự họ phải chịu trách nhiệm về hành vi đó.
Trong trường hợp “Cá chết” này, vấn đề xác định kẻ “thủ ác” sẽ rất phức tạp.
Sẽ có 2 nhóm chính :
+ Nhóm người thuộc “nghi phạm Formosa” sẽ là chính phạm và giúp sức.
+ Nhóm người giúp sức gồm các quan chức VN và cả một số người đang làm việc cho nghi phạm Formosa.
Luật áp dụng :
+ Bộ luật hình sự 1999, sửa đổi 2009;
+ Luật đầu tư 2005.
Và các văn bản khác…
Điều 182. Tội gây ô nhiễm môi trường.
1/ Người nào thải vào không khí, nguồn nước, đất các chất gây ô nhiễm môi trường, phát tán bức xạ, phóng xạ vượt quá quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất thải ở mức độ nghiêm trọng hoặc làm môi trường bị ô nhiễm nghiêm trọng hoặc gây hậu quả nghiêm trọng khác, thì bị phạt tiền từ năm mươi triệu đồng đến năm trăm triệu đồng, cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến năm năm.
2/ Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ ba năm đến mười năm : a) Có tổ chức; b) Làm môi trường bị ô nhiễm đặc biệt nghiêm trọng hoặc gây hậu quả rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng khác.
3/ Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ mười triệu đồng đến một trăm năm mươi triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến năm năm.
Đương nhiên cả hàng loạt điều luật khác sẽ được áp dụng trong nhóm tội Tham nhũng, cố ý làm trái...
Tuy vậy, để phá được vụ án “Cá chết” sẽ rất không dễ dàng bởi vô vàn sự “tác động” của cả trong và ngoài nước đối với các cơ quan tố tụng.
Nhưng nếu không xử lý bằng biện pháp hình sự thì sẽ dẫn tới tình trạng cực kỳ tồi tệ và hậu quả còn khủng khiếp hơn nhiều.
II/ CHẤT LƯỢNG CỦA GIẢI PHÁP.
1/ Khẳng định bản lĩnh chính trị.
Đúng bản chất của sự việc.
Khi khởi tố vụ án theo Tội 182 sẽ cho phép Cơ quan Điều tra xâm nhập vào Khu Công nghiệp Vũng Áng để xác minh, đồng thời mở rộng phạm vi điều tra để xác định, phân loại chính phạm, đồng phạm, mức độ thiệt hại (Hiện trạng là Formosa bất khả xâm phạm đối với bất kỳ cá nhân, tổ chức nào nếu không “Giấy phép đặc biệt”).
Đầu độc môi trường, gây hậu quả nặng nề cho cả một Quốc gia về sinh mạng, sinh kế, phá vỡ sự phát triển bình thường của cả một nền kinh tế…
Đó là tội Đại ác cần phải nghiêm trị đích đáng.
Bản lĩnh của Nhà Cầm quyền đứng trước hiểm hoạ của Dân tộc phải được thể hiện ở mức cao nhất.
Có làm được như vậy, chính quyền mới có thể làm yên lòng dân, lấy lại niềm tin của dân.
2/ Giải quyết dứt điểm việc bồi thường thiệt hại và khắc phục hậu quả.
Ngoài việc dựa trên Kết quả Giám định về sự thiệt hại vật chất có thể xác định được, những tổn thất thực tế của ngư dân, doanh nghiệp liên quan…còn chi phí về việc phục hồi hệ sinh thái biển, việc ô nhiễm môi trường sống, đặc biệt là các rặng san hô – ngôi nhà của sinh vật biển – phải cần tới 60 – 70 năm mới tái sinh trở lại trong tình trạng lý tưởng… cần phải tính toán chi tiết, chặt chẽ, khoa học.
Chỉ có giải pháp hình sự mới cho phép tuyên buộc kẻ thủ ác phải nhìn nhận sự phá hoại cuộc sống và phải chấp nhận khắc phục lại môi trường, bồi thường thiệt hại cho người bị hại.
Formosa sẽ bị buộc phải chọn hoặc là xử lý chất thải theo đúng quy chuẩn khoa học nghiêm ngặt hoặc là Đóng cửa Nhà máy !
3/ Tạo tiền đề để “xử trảm” những dự án phá hoại môi trường.
Ở Việt Nam thời gian qua cho thấy việc cấp phép cho các dự án đầu tư nước ngoài (FDI) đã được phân cấp mạnh về các tỉnh và không ít tỉnh đã chạy theo tốc độ tăng trưởng GDP cao và chấp nhận các dự án FDI khai thác tài nguyên giá rẻ, với công nghệ lạc hậu, gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, bị người dân phản ứng mạnh mẽ.
Vụ Công ty Vedan gây ô nhiễm nguồn nước sông Thị Vải, Công ty Tung Kuang xả thải ra môi trường, rồi Công ty TNHH Pangrim Neotex, Công ty Xi măng Chinfon (Hải Phòng), mới đây nhà máy giấy Lee & Man Việt Nam (Trung Quốc đầu tư) đang “bức tử” Sông Hậu.
Có tới 80% khu công nghiệp vi phạm quy định về môi trường; 23% doanh nghiệp FDI xả thải vượt quy chuẩn cho phép từ 5-12 lần. Đặc biệt doanh nghiệp FDI chiếm 60% tổng số các DN xả thải vượt quy chuẩn.
Đã đến lúc Chính phủ phải kiểm tra rà soát nghiêm ngặt các Dự án FDI về quy trình xử lý xả thải ra môi trường, đặc biệt là các dự án do Trung Quốc làm chủ đầu tư vì đa phần họ sử dụng công nghệ đã quá lạc hậu.
Qua đó dọn sạch những dự án “bẩn” để cứu lấy môi trường đã bị phá hoại nghiêm trọng.
4/ Trong sạch hoá bộ máy lãnh đạo.
Bằng việc đưa ra trước Vành Móng Ngựa những kẻ có đầy quyền lực trong Bộ máy lãnh đạo đã tiếp tay cho “Chính phạm” gây ra hậu hoạ thảm khốc này sẽ có tác dụng răn đe những kẻ đang rắp tâm làm hại Đất nước, làm thức tỉnh những kẻ đang còn u mê, say quyền, làm giàu trên sinh mạng, mồ hôi nước mắt của nhân dân.
III/ NHỮNG HỆ LUỴ.
Ngạn ngữ có câu “Bổ củi phải có vụn”, khi xử lý vụ Formosa chúng ta chắc chắn không sao tránh khỏi “tác dụng phụ” của nó. Có thể đó sẽ là :
1/ Sự e ngại của các nhà đầu tư Đài Loan.
Quan hệ Đài Loan – Việt Nam là một mối quan hệ ngoại giao phi chính thức (De facto) vì chính quyền Hà Nội vẫn giữ quan điểm một Trung Quốc và chỉ chính thức công nhận CHND Trung Hoa.
Tuy vậy, Đài Loan là một trong những nguồn đầu tư trực tiếp nước ngoài lớn nhất tại Việt Nam.
Tập đoàn Formosa có rất nhiều công ty lớn hoạt động tại Việt Nam, đáng kể nhất là Cty TNHH Hưng Nghiệp Formosa – Formosa Đồng Nai, Formosa Taffeta Việt Nam (chuyên về dệt – nhuộm) Formosa Gear (sản xuất linh kiện cơ khí)… đều có quy mô vốn cũng như doanh thu lên đến cả trăm triệu USD.
Lò cao của Nhà máy Nhiệt điện Formosa nhả cột "khói" lớn lên bầu trời.
Cái khó khăn nhất là khi ta buộc Formosa phải tuân thủ quy trình xử lý chất thải theo quy chuẩn khoa học nghiêm ngặt để bảo vệ môi trường thì với công nghệ luyện thép “cổ lỗ sĩ” của họ sẽ đẩy chi phí lên quá lớn, và, họ sẽ lỗ nặng, hậu quả là sẽ phải đình chỉ dự án.
Vì vậy, việc đóng cửa Nhà máy thép Formosa, kêu gọi nhà đầu tư mới thay thế là phương án phải được dự liệu trước.
Tuy vậy, với địa thế đẹp vào bậc nhất Đông Dương như cảng nước sâu Sơn Dương sẽ chẳng phải lo ế ẩm.
Khi ta xử lý nghi phạm Formosa sẽ tác động đến các nhà đầu tư đang kinh doanh ở Việt Nam, đặc biệt là những doanh nghiệp có “nhân thân xấu”. Họ có thể giảm, hoặc thoái vốn đang đầu tư vào Việt Nam.

Trong quá trình hoạt động, thành tích bất hảo của Formosa cũng lớn lao chẳng kém gì doanh thu của nó :
+ Cuối năm 1998, Formosa Plastics của Đài Loan vận chuyển 3.000 tấn rác thải chứa đầy thủy ngân sang Campuchia.
Chất thải này được trộn với xi măng, sau đó chuyển qua nhân viên hải quan dán nhãn là “khối bê tông” và không hề đề cập đến thủy ngân.
+ Tháng 9-2009, chính quyền bang Texas và Lousiana của Mỹ đã buộc Formosa Plastics chi hơn 10 triệu USD để xử lý vi phạm chất thải độc hại ra không khí và nguồn nước.
“Hồ sơ đen” hủy hoại môi trường của Formosa còn tồn tại ngay tại vùng lãnh thổ Đài Loan.
2/ Sự e ngại về nạn tham nhũng từ những nhà đầu tư.
Hối lộ và tham nhũng đang cản trở hoạt động đầu tư, làm xói mòn sức cạnh tranh của các doanh nghiệp (DN) trong và ngoài nước tại Việt Nam.
Do vậy, không có gì ngạc nhiên khi DN châu Âu cũng như DN nước ngoài khác ngày càng nản lòng và mệt mỏi với nạn tham nhũng đang lan tràn tại Việt Nam.
Theo Euro Cham, chìa khóa để giải quyết vấn đề này là thực hiện nhanh chóng và nghiêm ngặt Công ước Liên Hiệp Quốc về chống tham nhũng (UNCAC) mà Việt Nam đã phê chuẩn vào tháng 6-2009.
Việt Nam không những cần cam kết thực hiện cải cách hành chính trên toàn quốc, đồng thời cần cam kết sẽ nâng cao chuẩn mực đạo đức của cán bộ, công chức ở tất cả các cấp.
3/ Sự e ngại về một hệ thống pháp luật thiếu nhất quán và thiếu ổn định.
Hệ thống pháp luật về quản lý hoạt động đầu tư không được thiết kế để bảo đảm sự thống nhất.
Hoàn thiện hệ thống pháp luật liên quan đến lĩnh vực đầu tư là yêu cầu cấp bách.
Chỉ khi hệ thống pháp luật này với các văn bản pháp quy được ban hành rõ ràng, minh bạch từ luật cho đến các nghị định hướng dẫn thi hành luật, các thông tư hướng dẫn cụ thể... mới có thể tạo một hành lang pháp lý đầy đủ thúc đẩy tăng cường kỷ luật quản lý đầu tư.
Trước mắt, cần khẩn trương hoàn thiện, ban hành các văn bản then chốt như Luật Ðầu tư công (nợ công của VN đã lên đến 2,7 triệu tỷ đồng, thật khủng khiếp), Luật Quy hoạch, các nghị định thống nhất phạm vi điều chỉnh chung cho các loại quy hoạch phát triển, quy hoạch xây dựng trên phạm vi cả nước nhằm khắc phục những vướng mắc, bất cập.
Ðặc biệt cần quy định hệ thống chế tài nghiêm khắc kèm theo cơ chế thực thi hiệu quả, xác định cụ thể hơn quyền và nghĩa vụ của người có thẩm quyền quyết định đầu tư, chủ đầu tư, ban quản lý dự án, các tổ chức tư vấn...
 
    
IV/ KẾT LUẬN.
Formosa sẽ làm lễ khánh thành lò luyện thép số 1 vào ngày 25/6/2016 tới đây, nhưng nhà nước VN đã cản trở việc đó bằng cáo buộc họ còn thiếu tiền thuế khoảng 70 triệu USD.
Theo quan điểm của tôi, sự trì hoãn này là do Hà Nội đang tính toán biện pháp xử lý rốt ráo vấn đề “Cá chết” nhưng chưa thống nhất được kế sách.
Vâng,
Tính toán thiệt hơn và phương sách tiến hành là vô cùng cần thiết nhưng chính quyền phải lấy đại sự làm trọng.
Đảng và Chính Phủ cần kiên quyết xử lý bằng được vụ “Cá chết” này một cách minh bạch, thẳng thắn, triệt để, qua đó thấy rõ những căn bệnh trầm kha của chế độ dường như hội tụ đầy đủ trong vụ án này đến từng chi tiết :
Sự yếu kém của của công tác Quản lý Nhà nước trong kinh tế, xã hội, an ninh và quốc phòng đã đến mức báo động như thế nào;
Trình độ nhận thức, năng lực và bản lĩnh chính trị tồi tệ của nhiều quan chức đã thể hiện bi đát đến độ xót xa “cháy nhà ra mặt chuột” !;
Nạn cát cứ “Địa phương chủ nghĩa” đã gây chia rẽ, bè phái, phá hoại sự đoàn kết trong Đảng và Nhà nước ghê gớm ra sao;
Nạn tham nhũng có thể đưa đất nước xuống vực thẳm kinh hoàng như thế nào;
Sự tha hoá của cán bộ, công chức nhà nước đã bất chấp pháp luật và sinh mạng của nhân dân ra sao, qua đó nhận thức rõ sự băng hoại đạo đức, biến chất của một bộ phận đảng viên là nguy hiểm như thế nào đối với Đất nước;
Công tác đào tạo, tuyển chọn Đảng viên, công chức trong suốt thời gian qua đã bộc lộ những thiếu sót ghê gớm để cho một bộ phận không nhỏ những kẻ cơ hội đã luồn lọt vào bộ máy lãnh đạo, đã phá hoại còn hơn bất cứ loại giặc nào…

Đại nghiệp của Dân tộc ta sẽ đi lên từ kinh tế biển, suốt một dải bờ biển dài vô tận của đất nước với vô số cảng nước sâu, nếu đi đúng hướng thì kinh tế của chúng ta sẽ vượt xa nhiều nước chỉ trong một thời gian ngắn.
Hãy nhìn một tỉnh nghèo như Quảng Ngãi, GDP của toàn tỉnh chỉ có 162 tỷ đồng (năm 1992), nhưng sau khi xây dựng Khu công nghiệp Dung Quất thì GDP (năm 2014) đã vọt lên 32.000 tỷ đồng ! Thật quá ấn tượng phải không ?
Chúng ta phải kiên quyết giữ gìn từng milimet biển và giữ cho trong sạch, bởi đó là mạng sống của toàn Dân tộc, đó là tương lai của Đất nước, đó là sự phồn thịnh và vinh quang của con Lạc cháu Hồng chúng ta !
Nhưng tất cả những điều đó chỉ có thể làm được khi chính quyền giành lại và giữ được lòng dân.
Mất lòng dân là mất tất cả.
Dù mưu mô thủ đoạn chính trị có tinh vi, xảo quyệt đến đâu, dù cho có hứa hẹn, giảng giải hay ho đến thế nào đi nữa cũng không bao giờ có thể che tai, bịt mắt được nhân dân được nữa, thời đại công nghệ đã đổi thay tất cả.
Xin hãy thức tỉnh và kiên quyết lột xác, mạnh mẽ, dứt khoát từ bỏ hệ tư tưởng đã lỗi thời đang làm hại Đất nước và chính bản thân tầng lớp lãnh đạo, hãy tin tưởng vào sức mạnh của nhân dân, dựa hẳn vào dân, cùng bắt tay với nhân dân xây dựng kế sách phát triển lâu dài, bền vững cho Đất nước.
“Cái chết của Cá” sẽ là phát Pháo Lệnh đưa toàn thể Dân tộc sang một trang sử mới, đưa Đất nước vào thời kỳ Đại Công nghiệp huy hoàng, rực rỡ hoặc ở phía ngược lại, nó sẽ là Phát súng Ân huệ dành cho những tư tưởng lạc hậu, u mê, những kẻ chỉ vì lợi ích của cá nhân và dòng họ đã và đang sống phè phỡn, ngang ngược trên sinh mạng cả trăm triệu đồng bào đau khổ.
Mọi chính thể sẽ qua đi, chỉ có Nhân dân là bất diệt !
Và,
Đặc biệt với Dân tộc Việt Nam.
Một Dân tộc nhẫn nhịn chịu đựng sự đoạ đầy cả ngàn năm đằng đẵng nhưng quyết không bao giờ theo giặc !
Con dân Việt cũng vậy :
Dù ở đâu, Tổ Quốc vẫn trong lòng,
Cột biên giới đóng từ thương tới nhớ. (Nguyễn Duy).
Dân tộc đó không bao giờ chịu khuất phục trước bất cứ thế lực cường quyền nào, bất kỳ thời đại nào !
 
Sài Gòn 12/6/2016.
Post A Comment
  • Blogger Comment using Blogger
  • Facebook Comment using Facebook
  • Disqus Comment using Disqus

Không có nhận xét nào :


three columns

cars

grids

health