PHÁ CHỢ KỲ ANH – PHƯƠNG ÁN BẤT KHẢ THI
Chợ tồn tại và phát triển theo quy luật riêng của nó, chợ vẫn phải họp ở nơi đông dân cư. Càng đông dân chợ càng lớn. Dù là nơi trên bến dưới thuyền, giao thông thuận lợi, nhưng dân cư ít thì không có chợ hoặc chỉ có chợ tạm. Người lãnh đạo phải nắm được quy luật để vận dụng vào cuộc sống, tránh được sai lầm thì sự phát triển mới bền vững.
Phá chợ cũ – phục vụ lợi ích cho doanh nghiệp?
Mấy tháng nay, chính quyền thị xã Kỳ Anh tìm cách cấm chợ huyện. Loa phát thanh suốt ngày đọc những văn bản cấm chợ, yêu cầu cán bộ, viên chức, giáo viên, Nhân dân không đến đây giao thương. Công an phong toả chợ, xua đuổi người đến mua hàng... Mục đích là buộc tiểu thương phải vào kinh doanh ở chợ Nam Kỳ Anh, cách đó gần 3 km, được xây dựng rất… hoành tráng.
Tiểu thương Lê Thị Vạn Hương: “Chúng tôi không vào chợ Nam Kỳ Anh vì nhiều lí do: Một, chính quyền cấm chợ huyện mà không bồi thường? Hai, chợ Cầu Đình là của tư nhân, giá thuê mặt bằng quá cao nhưng chính quyền không can thiệp. Nếu nghe theo chính quyền mà rời chợ huyện vào chợ mới, mỗi tiểu thương thiệt hại trung bình khoảng 600 triệu đồng. Ba, vào chợ Cầu Đình, không kinh doanh được vì không có dân cư, mà bỏ vốn ra quá lớn, làm sao thu hồi vốn?”.
Nhiều cán bộ hưu trí, nhân dân đều có quan điểm cho rằng chính quyền bỏ chợ cũ là vi phạm quyền tự do dân chủ, vì khi xây dụng chợ Nam Kỳ Anh, tiểu thương không biết, không được bàn. Lẽ ra nơi ít dân cư, chợ chỉ cần 3.000 - 4.000m2 thì lại xây chợ quá lớn: 28.000m2 rồi lấy cớ chợ cũ xuống cấp để đóng cửa, “ép” tiểu thương vào chợ mới bằng mọi giá là sai lầm? Phường Sông Trí trải dài theo Quốc lộ 1A trên 4km, không lẽ phía Nam rất ít dân, có chợ Nam Kỳ Anh “hoành tráng”, thế mà phía Bắc, là trung tâm dân cư, gần các xã đông dân: Kỳ Tân, Kỳ Châu, Kỳ Thư, Kỳ Văn… lại không có chợ?
Chợ tồn tại và phát triển theo quy luật riêng của nó, chợ vẫn phải họp ở nơi đông dân cư
Theo quy chế nông thôn mới, thì ở đây còn thiếu chợ. Dân cư đông, địa bàn rộng như phường Sông Trí thì nên có hai chợ, trong đó chợ huyện ở phía Bắc tồn tại lâu đời và đang hoạt động có hiệu quả.
Nhằm đạt được mục đích di dời chợ, Công ty TNHH Xuất nhập khẩu Châu Tuấn đã âm thầm soạn thảo “biên bản tham vấn cộng đồng” phản ánh sai sự thật, giả mạo các chữ ký để qua mặt các cấp chính quyền và hàng trăm hộ tiểu thương.
Được biết, tại cuộc họp ngày 19/8/2015, các tiểu thương phản ánh mạnh mẽ về vấn đề chính quyền địa phương không thông qua ý kiến toàn dân, không thông qua Hội đồng cấp phường, xã trước khi xây dựng chợ mới… Trong khi tranh luận căng thẳng giữa các tiểu thương và các cấp chính quyền thì có một vị cán bộ cấp tỉnh đưa ra một “Biên bản tham vấn cộng đồng” (ngày 12/1/2015) để chứng minh rằng, việc di dời chợ đã được thông qua ý kiến toàn dân.
Tham gia biên bản có các thành phần: Trưởng Ban Quản lý (BQL) chợ Kỳ Anh, Giám đốc Công ty TNHH Châu Tuấn và có đại diện của 535 hộ kinh doanh (có chữ ký của 9 người). Nội dung của biên bản này thể hiện sự bất cập của chợ cũ, các hộ tiểu thương kinh doanh tại chợ rất ủng hộ chủ trương xây dựng chợ.
Điều đặc biệt của cuộc họp này là kết thúc vào lúc 11 giờ cùng ngày, Biên bản được được lập 5 bản, các bên tham dự cuộc họp giữ 2 bản, đại diện các hộ tiểu thương giữ 1 bản. Được đóng dấu và ký tên của Công ty TNHH Châu Tuấn có chữ ký của bà Bạch Thị Hường và đại diện của BQL chợ Kỳ Anh ông Nguyễn Đức Phồn ký tên, đóng dấu. Vì không ai được tham gia vào cuộc họp này, cho rằng có sự giả mạo nên các tiểu thương đã cầm biên bản trên gặp ông Nguyễn Đức Phồn để hỏi cho ra nhẽ.
Ông Phồn đã khẳng định: “Từ khi Công ty Châu Tuấn vào đầu tư xây dựng chợ Kỳ Anh chưa một lần nào làm việc với BQL chợ và cũng chưa một lần họp để lấy ý kiến của nhân dân. Còn chữ ký của tôi và con dấu của BQL chợ thì tôi không biết họ sao chép kiểu gì? Vả lại các chữ ký của các tiểu thương cũng được giả mạo”.
Sáng ngày 25/8/2015, ông Phồn đã được Thanh tra thị xã Kỳ Anh mời lên làm việc. Tại buổi làm việc này, ông Phồn vẫn khẳng định không có cuộc họp trên.
Như vậy có hay không Công ty Châu Tuấn “mượn danh” BQL chợ Kỳ Anh để lập ra “Biên bản tham vấn cộng đồng” với ý đồ nhằm đạt được mục đích cho riêng mình.
Không nên cấm chợ, vì hậu quả sẽ khôn lường?
Việc cấm chợ là sai. Nhưng giả sử chính quyền ở đây cố tình đẩy từng tiểu thương ra khỏi chợ, để vào chợ mới thì sao? Nếu bị mất chợ, bà con làm gì để sống? PV nêu câu hỏi với một nhóm tiểu thương, họ gần như đồng thanh nói: “Không thể có chuyện đó? Chúng tôi không bao giờ bó tay để bị đẩy ra khỏi chợ, không để chính quyền bán đất chợ! Không bao giờ chịu để mất mất chợ. Chúng tôi phải bảo vệ chợ đến cùng bằng mọi giá”.
Mặc dù tiểu thương đều bày tỏ quyết tâm giữ chợ, nhưng giả sử chính quyền xoá được chợ này để lấy đất chợ làm việc khác, thì điều gì sẽ xẩy ra? Việc khiếu kiện đông người khó tránh khỏi. Nhưng đây là trung tâm dân cư, nên không thể thiếu chợ, nếu mất chợ lớn thì hàng trăm chợ nhỏ (chợ tại gia) xuất hiện. Chợ lớn cũ có thứ gì, thì chợ nhỏ có thứ đó, mà như vậy Nhà nước sẽ thất thu thuế. Vậy thì có nên cấm chợ huyện hay không?
Giữa tháng 11 năm 2015, hàng chục tờ báo mạng đồng loạt lên tiếng vụ chính quyền huyện Di Linh, tỉnh Lâm Đồng cấm cán bộ, viên chức đến mua sắm ở chợ cũ, để buộc tiểu thương phải vào chợ mới thuê mặt bằng giá cao. Sau đó, sở Tư pháp Lâm Đồng có văn bản đề nghị UBND tỉnh thu hồi các văn bản do UBND huyện Di Linh ban hành về việc cấm chợ. UBND huyện Di Linh đã thừa nhận sai và cho biết sẽ thu hồi những văn bản này. Vậy việc cấm chợ ở thị xã Kỳ Anh thì sao?
Theo báo Môi trường & Sức khỏe
Post A Comment
Không có nhận xét nào :