technology

business

Kĩ sư người Kỳ Anh, Hoàng Hữu Hà - vinh quang và cay đắng.



"Xa xa nơi đó, dưới ánh mặt trời, là những hoài bão lớn nhất đời tôi. Có thể tôi không bao giờ với tới chúng, nhưng tôi có thể ngước lên và ngắm nhìn vẻ đẹp của chúng, tin tưởng vào chúng và cố gắng vươn đến chúng” - Louisa May Alcott -

Cuộc đời thực sự có ý nghĩa khi mỗi người luôn mang trong mình những ước mơ và lý tưởng. Ai cũng luôn luôn mong muốn và nỗ lực hết sức mình để thực hiện được những ước mơ, lí tưởng đó. Tuy nhiên hiện nay có nhiều người mà vì nhiều lí do chủ quan và khách quan nên chưa thể thực hiện được ước mơ, hoài bão của cả một đời người ấp ủ.
Trong bài viết này, NguoiKyAnh xin giới thiệu đến quý vị độc giả một con người như vậy – một nhân tài ở Việt Nam gần như đã bị quên lãng, dù trước đây ông từng là thần tượng một thời của giới trẻ nước ta.
Hầu như không ai biết về người thanh niên Việt Nam đầu tiên dành được giải thưởng quốc tế trong liên hoan sáng tạo Khoa học kĩ thuật các nước XHCN năm 1978 tổ chức tại Matxcova, chủ nhân của 7 công trình, đề tài khoa học áp dụng thành công, và là người đầu tiên ở nước ta được tặng Huân chương Lê Nin,  nhất là khi  giờ đây ông chỉ là một ông già với bộ đồ xộc xệch, quần ống thấp ống cao ngày ngày bán nước ven đường ở một thị trấn nhỏ. Trải qua bao nhiêu vinh quang và cay đắng – người kĩ sư tài ba Hoàng Hữu Hà – thần tượng “vang bóng một thời” ấy cho đến tận bây giờ vẫn không ngừng trăn trở với khát khao muốn được tiếp tục cống hiến, được giúp sức cho đời với niềm say mê, nhiệt huyết nhất.
Ông Trịnh Vĩnh Trinh, nguyên trưởng phòng thiết kế  đường ống xăng dầu, phó chủ nhiệm công ty khảo sát thiết kế Bộ vật tư, Viện trưởng viện thiết kế Bộ vật tư xác nhận:
“Anh Hà đã giúp đỡ chuyên gia Liên Xô sửa đổi thiết kế xây dựng đường ống xăng dầu vượt sông Hồng và các sông khác, và có công lớn trong việc cải tiến trong việc lắp đặt đường ống dầu qua sông Hồng giảm được nhiều chi phí nên sáng kiến trên đã được gửi đi tham sự triển lãm sáng tạo KHKT thanh niên các nước XHCN tổ chức tại Matxcova (Liên Xô) năm 1978 và được tặng thưởng bằng khen và huy chương như báo An ninh thế giới đã đưa ngày 3.10.2002)
tapchihuongviet_huuha_001
Ông Hà bên quán nước của mình.
Hoàng Hữu Hà – một thời vinh quang với những đường ống vượt sông
Hoàng Hữu Hà sinh ngày 5-12-1946, quê ở xóm Tân Phong, xã kỳ Giang, Kỳ Anh, Hà Tĩnh. Năm 1964, sau khi tốt nghiệp cấp 3 ở trường Phan Đình Phùng – Hà Tĩnh, ông đậu và vào học tại ngành thủy lợi, khoa xây dựng trường Đại học Bách khoa Hà Nội. Với thành tích học tập xuất sắc của mình, ông cùng với một sinh viên nữa tên là Trương Đình Cường được nhà trường xét tốt nghiệp trước thời hạn một năm, và cả hai cùng về công tác tại Tổng cục vật tư do ông Nguyễn Đức Tâm (người sau này giữ chức bí thư tỉnh ủy Quảng Ninh và trưởng ban tổ chức Trung ương) làm tổng cục trưởng.
Năm 1969, Đoàn chuyên gia Liên Xô được cử sang để giúp Việt Nam xây dựng đường ống dẫn xăng dầu ngầm kiên cố đầu tiên từ Bãi Cháy – Hạ Long về đến Phú Xuyên – Hà Tây (nay thuộc Hà Nội). Đường ống này dài 130km vượt qua 9 con sông lớn nhỏ như sông Thái Bình, sông Uông bí, Đá Bạch (thượng nguồn sông Bạch Đằng), sông Kinh Thầy, Đinh Đào, sông Hồng…
Và chính năm này, ông Hoàng Hữu Hà được phân công về làm việc với đoàn chuyên gia Liên Xô thực thi công trình này với mục đích học tập chuyên gia Liên Xô  (để sau này công trình đường ống dẫn dầu thứ hai không phải mời chuyên gia nữa). Cùng trong tổ với ông Hà còn có ông Cao Xuân Mộc (người Thanh Hóa, từng tốt nghiệp bằng đỏ tại trường dầu Matxcova) làm tổ trưởng và một người nữa tên là Đặng Nhật Tiên. Hoàng Hữu Hà vốn là người Hà Tĩnh, quê ở xa, lại có đức tính cần cù, chịu khó, không ngại khó khăn gian khổ nên lúc đầu ông nhận nhiệm vụ đi lấy tài liệu tất cả các con sông trên hệ thống sông Hồng và Thái Bình, ông kể, ngày đó ông phải đi bộ và xích lô khắp các vùng này mới thu thập được đầy đủ tài liệu cần có. Lấy xong, ông về học tập chuyên gia Liên Xô tập thiết kế một năm, sau đó được phân xuống học tập thực tế tại công trường thi công đường ống vượt sông. Từ đây mở đầu con đường đầy vinh quang của một người kĩ sư đầy tài năng, đam mê và nhiệt huyết.
Năm 1971, công trình thi công đặt 4 đường ống ngầm qua sông Đá Bạch (Trên bộ 2 đường thì dưới nước 4 đường – gồm cả đường dự phòng). Nhưng theo quy định của Bộ thủy lợi thì việc đào xẻ đê phải hoàn thành trước ngày 31.5 nhằm tránh mùa mưa lũ. Và theo thiết kế của chuyên gia Liên Xô, họ đặt 4 đường ống theo độ cong tự nhiên, R =  250m và phải đào tới 30.000m3 đất ở bờ sông bên phải bằng thủ công, nên nếu vậy sẽ không thể hoàn thành trước thời hạn. Ngày 18 – 5 - 1971, trong cuộc họp BCĐ công trình, phía Việt Nam đề xuất thay đổi đề án thiết kế. Tổng công trình sư lúc này là Kamarop nghe thấy đã vỗ ngực trả lời với phía Việt Nam “Tôi là Tổng công trình sư, kỹ sư 20 năm, phương án của tôi là tối ưu rồi, Việt Nam nếu ai sửa được phương án của tôi thì tôi xin tạc tượng bán thân trên bờ sông Đá Bạch”.
tapchihuongviet_huuha_001
Báo An ninh Thế giới số ra ngày 3-10-2002
Ông Hà không được dự cuộc họp đó, nhưng hôm sau nghe ông Chu Thịnh – người dân tộc Tày (Phó ban điều hành đường ống của Việt Nam) nói với ông Hà: “Hà ơi, cậu xuống dưới sông Đá Bạch nghiên cứu xem sao, có cách gì giảm thời gian thi công qua đê chứ Tổng công trình sư Kamarop xem thường ta nhiều quá”. Nghe vậy, ngay ngày hôm sau ông Hà mang theo ba lô, quần áo, chăn màn xuống nghỉ tại công trường thi công sông Đá Bạch 3 ngày và tìm ra phương án thay thế. Ông về ngay Bãi Cháy (chỗ Ban điều hành ) báo cáo lại phương án của mình và hứa đảm bảo chắc chắn công trình sẽ hoàn thành trước ngày 31.5. Theo đó, khác với thiết kế của Liên Xô,  ông đặt 4 ống theo độ cong nhân tạo, R = 15m và chỉ còn phải đào 3000m3 đất ở bờ phải sông Đá Bạch. BĐH đã nhất trí, tin tưởng và giao cho ông xuống trực tiếp chỉ đạo thi công. Và sau 10 ngày, đúng chiều ngày 31.5.1971, công trình thi công đặt 4 đường ống dẫn ngầm qua bờ phải sông Đá Bạch và đắp lại đê theo yêu cầu của bộ Thủy lợi được hoàn thành, tiết kiệm được đến 90% thời gian thi công và giảm tới 90% khối lượng.
Sự kiện này  đã gây chấn động BĐH xây dựng đường ống , cả chuyên gia Liên Xô và lên tận nhà nước , chiều ngày 1.6.1971, Phó thủ tướng Đỗ Mười khi đó phụ trách xây dựng cơ bản nghe tin đã xuống công trình xem, và ông Hà là người trực tiếp báo cáo với Phó thủ tướng.
Sau đó một tuần, ĐSQ Liên Xô cách chức Kamarop và cho về nước, đồng thời điều Tổng công trình sư thứ  2 sang.
Năm 1972, Tổng công trình sư thứ hai chỉ đạo thi công công trình đường ống vượt sông Hồng . Trong quá trình kéo đường ống qua sông  thì bị đứt cáp 3 lần và buộc phải vứt lại 400m đường ống dưới sông Hồng vĩnh viễn do kéo tới kéo lui đều không được. Hoàng Hữu Hà lại tiếp tục nghiên cứu và sửa đổi lại bản thiết kế theo phương án của mình bằng cách: Thay ròng rọc cố định bằng ròng rọc động và đã kéo 400m đường ống hàn mới qua sông Hồng một cách dễ dàng và nhanh chóng. Khi đoàn tham quan của Bộ thủy lợi, tỉnh Hà Tây và Uỷ ban xây dựng cơ bản nhà nước đến để tham quan phương án kéo đường ống của Việt Nam thì được Ban chỉ huy công trường báo cáo là kéo theo phương án của ông Hoành Hữu Hà đã xong.
Một tuần sau đó, tổng công trình sư thứ hai cũng bị ĐQS cách chức và cho về nước, đồng thời điều Tổng công trình sư thứ 3 sang.
Tổng công trình sư  thứ 3 sang nhằm chỉ đạo gia cố bờ phải sông Hồng sau khi khi đặt đường ống. Vì khối lượng nhiều nên việc gia cố phải thực hiện trong hai năm. Khi đào để đặt ống qua bờ phải sông Hồng thì gặp phải đá do tỉnh Hà Tây và bộ Thủy lợi gia cường để bảo vệ bờ đê. Một ông phó ban điều hành của Việt Nam tự tiện cho nổ 2,5 tấn mìn xuống bờ phải sông Hồng để phá đá mà không xin phép tỉnh Hà Tây và Bộ thủy lợi. Sau khi nghe tiếng mìn nổ, Huyện Phú Xuyên – Hà Tây đã viết đơn kiện BĐH đường ống lên thủ tướng Phạm Văn Đồng. Lúc đó nhà nước cử Phó Thủ Tướng Đỗ Mười trực tiếp để xử lí vụ kiện đó. BCH công trường để nghị Tổng công trình sư thứ ba sang nghiên cứu để giúp đỡ sự cố nổ mìn đó. Tổng công trình sư thứ 3 trả lời “Trong thiết kế không có nổ mìn, Việt Nam tự nổ mìn thì Việt Nam tự xử lí lấy”. Vậy là ông Hà tiếp tục tự mình nghiên cứu và tìm ra giải pháp gia cố bờ giật cấp sau khi đặt đường ống. Với giải pháp này đã tiết kiệm được 80%  khối lượng cát vàng (cát to hạt) phải chở từ Hòa Bình và Quảng Ninh về, đồng thời ông Hà đã chỉ đạo thi công gia cố bờ hoàn thành trong một năm mà trong thiết kế của Liên Xô không có thiết kế dạng lót cát giật cấp dưới nước. Đây cũng là một sáng tạo vô cùng lớn của ông Hà mà đến thời gian đó trong thiết  kế của Liên Xô chưa có. Sau thành công này của ông đã giải quyết xong vụ kiện của Huyện Phú Xuyên lên Bộ vật tư lên Nhà nước.
Năm 1973, Bộ vật tư được giao nhiệm vụ thiết kế thi công đường ống mới – đường ống thứ 3 (đường ống dự phòng )- qua sông Hồng trong điều kiện tàu hút bùn đã hỏng. Nhưng theo bản thiết kế mẫu của Liên Xô thì không có phương án đặt đường ống qua sông không phải đào hào, nguyên nhân là do từ năm 1949 đến năm 1972, cả Liên Xô và Mỹ đều áp dụng phương án đó thất bại.
Cụ thể, năm 1949 Mỹ đặt một lúc 29 đường ống qua dòng sông Mitxixipi theo phương án không phải đào hào, kết quả sau một năm đứt 21 đường. Sau đó Liên Xô cũng đặt theo phương án của Mỹ: Đặt 3 đường qua sông Amudaria thì sau 3 năm đứt cả 3 đường. Do vậy nên giáo sư Paradapkin  (đang là giáo sư viện sĩ về lĩnh vực đường ống ngầm ở Liên Xô) viết trong cuốn sách “Đường ống trong điều kiện phức tạp” chỉ thị từ nay về sau đặt đường ống qua sông phải đào sâu chôn chặt.
Trước tình hình đó, ông Hà đã về suy nghĩ và quyết tâm phải tìm ra phương án mới. Có một đêm đang ngủ ông bỗng bừng tỉnh dậy và nghĩ ra phương án: đặt đường ống vượt ngầm qua sông không phải đào hào nhưng phải thay đổi cách gia tải đường ống - vì dầu nhẹ hơn nước cho nên đặt đường ống phải gia tải. Mỹ và Liên Xô đều gia tải bằng cách đúc cục gang có dạng ôm bầu ống và bắt vít hai đầu nên đã làm nặng đường ống, khi đường ống bị xói thì các cục gang làm cho nó rung mạnh thêm vì thế “100% bị đứt là chắc chắn” – ông nói.
Và ông đã thay thế bằng cách: ông sử dụng các rọ thép lưới (B40) có sẵn của Bộ thủy lợi với kích thước hình hộp chữ nhật dài 2m, cao 1m, rộng 1m. Nối 3 rọ lại với nhau có độ dài 6m. Sau đó bỏ đầy đá hộc vào các rọ rồi bỏ xuống nước để vắt ngang qua đường ống có thợ lặn điều khiển .Và ông đã thành công hơn sức tưởng tượng khi những đường ống đặt qua sông theo phương án không phải đào hào này được hoàn thành nhanh chóng, ông nói“Những đường ống này sẽ giữ được mãi cho tới khi hết thời hạn sử dụng các công trình”.
Với thành công trên, năm 1976, đề tài thứ 3 trên của ông đã đạt giải nhất của Bộ vật tư. Năm 1977 đạt nhất các cơ quan Trung ương đóng tại Hà Nội,. Năm 1978 được tuyển chọn đi tham dự triển lãm “Sáng tạo KHKT của thanh niên các nước XHCN” tổ chức tại matxcova – Liên Xô và đã đạt giải nhất, được tặng HCV, 1 bằng Diploma và Huân chương Lê Nin.
Với những thành công xuất sắc trên , Hoàng Hữu Hà  đã trở thành thần tượng một thời. Ông được nhiều tờ báo và các phương tiện truyền thông nhắc  đến. Như Báo nhân dân ra 2 số liền (15-3 và 29 – 8) năm 1978, bài “Trước những thần tượng” của báo Tiền phong số ra ngày 16 đến 23 – 6 – 1981, bài “Hoàng Hữu Hà với những đường ống vượt sông Hồng” của Thông tấn xã Việt Nam, “Hoàng Hữu Hà 37 tuổi với 7 công trình khoa học” của Đài Tiếng nói Việt Nam số ra ngày 17 – 6 - 1981 (Theo báo An ninh thế giới số ra thứ 5, ngày  3-10-2002 đã từng đưa).
tapchihuongviet_huuha_001
Giấy xác nhận của ông Nguyễn Vĩnh Thịnh và Bạch Anh Tuấn.
Số phận cay đắng
Lúc mới bước chân vào quán nước, được ngồi nghe ông kể chuyện đời mình, thực sự tôi không thể tin và không ngờ rằng ông già ngồi trước mặt mình lúc này là thần tượng môt thời của giới trẻ Việt Nam và cả công trình hữu nghị Việt Nam – Liên Xô. Ông ăn mặc luộm thuộm ngồi bán hàng cùng với cô con dâu và 2 cháu gái trong một quán nước tồi tàn, nửa kín nửa hở ven quốc lộ 1A – đối diện Bệnh viện đa khoa Kì Anh, lâu lâu cả khách và chủ cùng run lên cầm cập mỗi khi những cơn gió lạnh của mùa đông ập tới. Thỉnh thoảng ông lại nheo ánh mắt và cười tinh nghịch trêu đùa với các cháu và khách uống nước, rồi lại cười ha hả khi kể lại đời mình cho tôi và mọi người nghe. Trong nụ cười đó, tôi cảm nhận được cái xót xa, chua chát của số phận con người đã phải chịu nhiều sóng gió, bão táp của cuộc đời.
Ông kể, đầu những năm 1970, dù đã lấy vợ nhưng hoàn cảnh gia đình ông gặp rất nhiều khó khăn. Do phải thường xuyên làm việc xa gia đình nên mọi lo toan, vất vả đều do vợ ông – một cô giáo trẻ ở trường huyện gánh vác. Con trai đầu của ông sinh năm 1972 thì bị di chứng não bẩm sinh về hệ vận động, đi lại rất khó khăn nên có khi vợ ông đã phải nghỉ dạy học bốn tháng không lương để ra Hà Nội chữa bệnh cho con. Dù hoàn cảnh gia đình khó khăn vậy nhưng ông không nhận được bất kì sự giúp đỡ nào của cơ quan, do việc sửa đổi bản thiết kế của Liên Xô liên quan đến thể diện quốc gia nên phải giữ kín.
Năm 1973, do bản tính ngay thẳng, trung thực, ông phát hiện và tố giác tội tham ô tem phiếu của một cán bộ trưởng phòng tổ chức  trong đợt tổ chức phê bình và tự phê bình nhằm thực hiện Nghị Quyết 228 của Chính phủ của Viện nên mọi người trong cơ quan có ác cảm với ông, cho ông là một người dở hơi, làm việc trái với mọi người. Cũng vì thế, ngay năm này có lần đem vợ con ra Hà Nội chữa bệnh, ông xin cho mình mượn một phòng xép của cơ quan cho vợ con ở tạm trong thời gian chữa bệnh nhưng không được đồng ý, do vậy vợ ông phải bồng con trở về quê nhà trong nước mắt.
Con trai thứ 2 của ông tên là Việt Anh sinh năm 1976, đến năm 1978 thì sau một trận ốm bị  bệnh bại liệt. Ông kể, năm đó ông xin phép về thăm con và ra chậm mất một ngày nên bị cắt hết mọi chế độ bồi dưỡng, kể cả danh hiệu lao động tiên tiến, khi có chế độ phân phối như phích nước, xe đạp, .v.v..thì ông là người được phát cuối cùng. Trong khi chính năm đó ông giúp Bộ vật tư dành được HCV trong giải thưởng quốc tế và Huân Chương Lê Nin, hơn nữa có khi ông lao động ngoài giờ đến hàng tháng thì ông không báo để tính công mà mới chậm một ngày thì bị trừ đi tất cả.
Trong năm 1977, với những thành tích nghiên cứu xuất sắc của mình với 7 đề tài khoa học được công nhận, ông đã được Viện quyết định cử đi Liên Xô làm nghiên cứu sinh, nhưng do vướng phải một điểm rất buồn cười và trớ trêu là năm 1976, bố của ông ở Hà Tĩnh trong một lúc cao hứng đã họa lại một bài thơ – được cho là không trong sáng - của bạn mình mà địa phương ông Hà không xét duyệt cho ông khi người của viện về thẩm tra lí lịch đến 3 lần. . Thế là ông mất cơ hội được đi Liên Xô để thỏa mãn đam mê học tập và nghiên cứu của mình.
Tất cả các quyền lợi của ông đều mất chỉ vì một số xích mích nhỏ không đáng có, cùng với việc con cái ốm đau liên miên, hoàn cảnh gia đình vô cùng khó khăn nhưng không được một sự giúp đỡ nào, niềm tin của ông về lòng nhân ái, đạo đức của con người ngày càng rạn nứt, sụp đổ, ông xót xa và thất vọng trước sự ích kỉ, bon chen của người đời. Và chính trong năm 1978, do có quá nhiều khó khăn ông đã xin chuyển về làm tại công ty vật tư tổng hợp Nghệ Tĩnh. Làm ở đây đến năm 1983 thì ông về Huyện Kì Anh làm trợ lí vật tư ở Ban kế hoạch, trưởng phòng của ông chỉ mới tốt nghiệp bằng trung cấp. Năm 1992 do một số bất cập trong công việc, khi ông đề nghị huyện cho ông phụ trách về mặt kĩ thuật nhưng không được đồng ý, thất vọng cực độ nên ông đã nghỉ làm luôn. Ông trở về cùng với vợ mình mở một quán nước nhỏ ở thị trấn Kì Anh, ven quốc lộ 1A với cuộc sống khó khăn cho đến tận bây giờ.
Thực sự tôi đã hoài nghi, không tin câu chuyện ông kể dù nó rành mạch và rõ ràng đến từng chi tiết, ngày, giờ, năm tháng, đến từng nhân vật liên quan và chức vụ của họ như vậy, nhưng khi ông đưa các giấy tờ chứng nhận của những người từng làm việc với ông thời đó, của cơ quan nơi ông từng công tác, những bản vẽ thiết kế của ông, và đọc cả tờ báo An ninh thế giới số ra ngày thứ 5, 3 - 10-2002 của hai tác giả Như Bình và Hoài Thanh từng viết về ông mà đến giờ ông còn giữ, cả các giấy xác nhận của những người từng là cấp trên của ông, hơn nữa để ý cách nói chuyện của ông, sự tự tin và am hiểu tường tận, sâu sắc khi ông đề cập đến không chỉ lĩnh vực kĩ thuật mà cả văn học, xã hội, lịch sử …khi nói chuyện với tôi , tôi mới thực sự tin. Tôi nói cho ông biết sự nghi ngờ đó của mình, ông cười và bảo chắc chắn rồi. Đúng  vậy, ai mới nghe cũng sẽ không thể tin được một ông già bán quán cóc ven đường lại từng là thần tượng một thời với những bản thiết kế xuất sắc làm cho các kĩ sư Liên Xô tâm phục khẩu phục.
tapchihuongviet_huuha_001
Một phút nghỉ ngơi của Ông Hà. Photo PV tapchihuongviet.eu

Ước  mong duy nhất hiện tại
Khi tôi hỏi “Vậy ước mong duy nhất hiện tại của ông là gì?”,  thật bất ngờ cho tôi khi ông nói “Ước mong lớn nhất và duy nhất bây giờ của ông là được một ai đó hoặc một cơ quan nào đó ủng hộ để có thể được trực tiếp hoàn thành những ý tưởng, những bản thiết kế mà ông nghiên cứu trong thời gian ông bán quán”. Tôi thực sự bất ngờ, vì không phải là mong ước  có được một ngôi nhà, được sức khỏe, nghỉ ngơi, sống lâu, con cháu hạnh phúc… như những người bằng tuổi ông mà tôi từng hỏi, mà đó là một mong ước được tiếp tục cống hiến, được tiếp tục hoàn thành mong ước đem những ý tưởng, những thiết kế của mình giúp sức cho đời dù cuộc đời đã từng quay lưng với ông.
Tôi lại hỏi “Vậy trong một thời gian rất dài tại sao ông không thực hiện ước mong đó?” , ông nói “Tại vì thời gian này ông chỉ là một ông già bán nước ven đường, ông không có sự ủng hộ nào cả”. Và khi tôi hỏi những ý tưởng thiết kế mà ông muốn thực hiện là gì, ông liền cho tôi xem bản vẽ và thuyết minh cho tôi về những đề tài như“Đập thủy điện loại vừa và nhỏ không trôi”, “Nâng cấp lại mặt cầu bằng mặt đường mà không phải làm lại cầu đỡ gây tai nạn”, “Nhà chống động đất không gây chết người” hay “Phục hưng tháp Pisa ở Ý”. Với đề tài “Phục hưng tháp Pisa Ý”, ông nói, “Năm đó tháp nghiêng 4m rưỡi, ông đã gửi bản thiết của mình cho Đại sứ quán Ý và được họ viết thư cảm ơn, sau đó dựa trên bản thiết kế của ông, một người Ý gốc Ba Lan đã tiến hành thực hiện nhưng ông ta chỉ khôi phục được nửa mét, nếu như để ông trực tiếp thực hiện thì đã thành công rồi”.
Ông bảo, ông có một biệt tài là nhìn vào sự cố của một công trình là ông có thể bắt được “bệnh” và tìm được biện pháp khắc phục ngay với chi phí và thời gian thi công ít nhất. Mặc dù chỉ học 4 năm về ngành thủy lợi nhưng ông có khả năng ở nhiều lĩnh vực như kiến trúc, xây dựng, cầu đường, đường ống…và ông nói “Một số phát minh của ông, ví dụ như đề tài “Nhà chống động đất không gây chết người” chưa ai nghĩ ra và thực hiện thành công trên thế giới. Nếu như không có một sự giúp đỡ, sau này khi ông mất đi sợ sẽ rất lâu nữa mới có người tìm ra những ý tưởng như vậy”, “Và cơ quan nào sử dụng các thiết kế của ông đảm bảo sẽ hoàn thành với chi phí rẻ và có độ bền cao nhất”. Khi tôi hỏi, với tuổi tác của mình lúc này, nếu được một sự ủng hộ to lớn, liệu ông có thể làm được không, ông nói chắc nịch “Khả năng thực hiện của đề tài là 100% thành công giống như trước đây ông sửa các bản thiết kế của Liên Xô”. Bản thân tôi không biết liệu ông có thể làm được như ông nói không, và liệu các thiết kế đó có tính khả thi như thế nào, nhưng nhìn vào đôi mắt sáng, sự tỉnh táo, tự tin, nghiêm túc và chắc chắn trong từng lời nói của ông, cùng với việc dựa vào những thành công xuất sắc trước đây của người kĩ sư tài năng, tôi có niềm tin là ông sẽ làm được. Hơn hết tôi biết, ông ấp ủ mong muốn được thực hiện những ý tưởng này cả hàng chục năm rồi nhưng chưa thể làm được, và đó luôn là điều day dứt, trăn trở hàng ngày, hàng đêm không bao giờ nguôi trong cuộc đời ông.
Trở về nhà và khi viết bài viết này, qua tìm hiểu và tôi biết bây giờ, một số ý tưởng của ông về một số đề tài như“phục hưng tháp Pisa Ý” – làm tháp thẳng đứng lại – đã được tìm ra..., và tôi cũng biết Khoa học kĩ thuật đã có phát triển hơn, nhiều công nghệ tiên tiến đã được áp dụng mà ông Hà một thời gian dài khó tiếp cận được. Nhưng tôi thiết nghĩ, con người vẫn luôn là yếu tố quan trọng nhất quyết định sự thành công của mọi công trình, ông vẫn còn có thể thực hiện được mong ước đó của mình nếu có được một sự ủng hộ và giúp đỡ.
Giờ đây, ông vẫn ngày ngày vui đùa với con cháu, vẫn bán hàng ở quán nước và hơn hết, ông vẫn luôn luôn ấp ủ trong trái tim nóng bỏng ước mong duy nhất và lớn nhất của mình là được tiếp tục cống hiến, được tiếp tục hăng say bên những công trình.
Địa chỉ Ông Hoàng Hữu Hà:
Tiểu khu 2, khu phố Hưng Hòa, Thị Trấn Kì
Anh – Hà Tĩnh SĐT: 01658162273


Nguyễn Phương Ngọc, Tapchihuongviet
________
Mọi đóng góp tin tức, bài viết, hình ảnh, video cộng tác xin gữi vào hộp thư HỘI ĐỒNG HƯƠNG KỲ ANH hoặc email hdhkyanh@gmail.com


Post A Comment
  • Blogger Comment using Blogger
  • Facebook Comment using Facebook
  • Disqus Comment using Disqus

Không có nhận xét nào :


three columns

cars

grids

health